Khai mạc phiên họp thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Sáng 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ tư (từ 13-16/12).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau của các dự án Luật: Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Phòng, chống rửa tiền; Bảo hiểm tiền gửi; Bộ luật lao động (sửa đổi); Giá; Tài nguyên nước (sửa đổi). Hai pháp lệnh được cho ý kiến tại phiên họp này là: Pháp lệnh pháp điển hệ thống pháp luật và Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật. Liên quan đến hoạt động giám sát, UBTVQH sẽ thực hiện hai giám sát chuyên đề: Việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu.

UBTVQH sẽ xem xét, quyết định phương án phân bổ 2.097 tỷ đồng vốn đầu tư cho các dự án, công trình cấp bách và 820 tỷ đồng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch của các địa phương; xem xét đề nghị của Viện trưởng Viện KSNDTC về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện KSNDTC, Kiểm sát viên Viện KSQSTƯ. Chương trình công tác năm 2012 của UBTVQH; Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2012 của các cơ quan của Quốc hội cũng sẽ được thông qua trong phiên họp này.

Mở đầu phiên họp, UBTVQH đã đánh giá kết quả kỳ họp thứ hai và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.

Theo Tờ trình của Văn phòng Quốc hội, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII dự kiến khai mạc ngày 21/5/2012, làm việc trong khoảng 24 ngày. Trong đó, dành 15 ngày cho công tác xây dựng pháp luật để xem xét, thông qua 14 dự án luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật. Liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội (KT-XH), giám sát và các vấn đề quan trọng khác, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011... Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để đảm bảo chất lượng nội dung và tính ổn định của chương trình kỳ họp và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, Văn phòng Quốc hội đề nghị UBTVQH chỉ đạo các cơ quan khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến; kiên quyết không đưa vào chương trình các nội dung chậm gửi tài liệu hoặc tài liệu chưa được chuẩn bị đầy đủ.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh yêu cầu đặt chất lượng lên trên số lượng đối với tất cả những nội dung trình Quốc hội. Để đạt được yêu cầu này, quan trọng nhất là công tác chuẩn bị, cần đảm bảo các yếu tố: Đúng thời gian quy định của pháp luật; quy trình làm việc của các cơ quan chuẩn bị, cơ quan thẩm tra, UBTVQH... Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ theo chương trình, bố trí việc cho ý kiến, chuẩn bị báo cáo, gửi báo cáo đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng; không để tình trạng gửi, trình văn bản sát ngày, giờ; dứt khoát không trình những dự án, tờ trình không đảm bảo thời gian, chuẩn bị vội vàng, gấp gáp.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tích cực, chuyên nghiệp, khẩn trương hơn nữa trong công tác chuyên môn, kết nối với các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, chuyên gia trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến, thu hút những đề xuất, phân tích sâu sắc, chất lượng, tham mưu cho Quốc hội. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hoạt động công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền, tổ chức phối hợp hoạt động tốt với các cơ quan báo chí.

Báo cáo UBTVQH về một số vấn đề để tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh quan điểm: Mặc dù thu nhập từ thuế thuốc lá hàng chục ngàn tỷ nhưng cũng khó có thể bù đắp những thiệt hại về sức khỏe và tính mạng của người dân. Ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là giải pháp vừa tăng ngân sách (do tăng thuế thuốc lá) vừa bảo vệ được sức khỏe của nhân dân và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất và trồng thuốc lá.

UBTVQH cơ bản nhất trí với những vấn đề về tính khả thi của dự án Luật; về in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá; xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá. Riêng vấn đề Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá còn ý kiến khác nhau.

Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đồng tình với ý kiến không thành lập Quỹ vì lo ngại việc hình thành nhiều quỹ, chia cắt ngân sách, khó bảo đảm tính công khai, minh bạch về tài chính. Tuy nhiên, cần đầu tư ngân sách cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và tiếp tục xây dựng lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, tăng chi thường xuyên hay qua chương trình mục tiêu quốc gia cho phòng, chống tác hại của thuốc lá. Việc tăng nguồn lực từ ngân sách cho công tác này là cần thiết đồng thời chi tiêu qua ngân sách sẽ đảm bảo kiểm soát việc sử dụng nguồn lực tốt hơn.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐDT Ksor Phước, cần xác định Quỹ này được hình thành nhằm: Hỗ trợ việc chuyển đổi ngành nghề sản xuất của gần 200.000 nông dân tham gia trồng cây thuốc lá ở các vùng nguyên liệu; tuyên truyền, vận động để người nghiện giảm dần mức độ nghiện, tiến tới bỏ thuốc lá; giải quyết hậu quả do tác hại của thuốc lá gây ra; chi phí cho quản lý, tổ chức. Chính phủ phải đưa ra được phương án sử dụng hợp lý đối với Quỹ này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Chính phủ giải trình rõ thêm mục đích sử dụng của Quỹ, cơ chế quản lý tốt, đảm bảo minh bạch, rõ ràng để sử dụng có hiệu quả. Vấn đề này sẽ được tiếp thu, giải trình để Quốc hội quyết định.

*Chiều 13/12, UBTVQH khóa XIII tiếp tục phiên họp thứ 4 thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND).

Nhất trí với báo cáo của Chính phủ, UBTVQH nhất chí cho rằng, nhờ Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND 2004 có hiệu lực pháp luật, hoạt động ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND giai đoạn 2005-2010 đã từng bước đi vào nề nếp, tạo sự chuyển biến về chất trong hoạt động xây dựng văn bản QPPL ở địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở địa phương. Các văn bản QPPL do chính quyền địa phương ban hành đã trực tiếp, kịp thời phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu quản lý địa phương, nâng cao năng lực xây dựng pháp luật của cán bộ, các cấp chính quyền.
Theo đánh giá của đoàn thẩm tra UBTVQH, về cơ bản nội dung các văn bản do HĐND, UBND các cấp ban hành phù hợp với hiến pháp và không trái, mâu thuẫn với các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên. Việc soạn thảo, ban hành các văn bản QPPL đã được tuân thủ đúng thẩm quyền ban hành văn bản QPPL được quy định trong luật và các văn bản QPPL liên quan. Công tác thẩm định văn bản QPPL cơ bản được thực hiện theo đúng quy định của luật, một số tỉnh đạt 100% văn bản QPPL được Sở Tư pháp thẩm định.

Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra, chất lượng văn bản QPPL của HĐND, UBND nhìn chung còn nhiều hạn chế như cách diễn đạt từ ngữ khó hiểu, nội dung văn bản vượt quá thẩm quyền; thiếu tính khả thi…Tại một số địa phương, công tác thẩm định văn bản vẫn còn nhiều hạn chế, như việc tổ chức lấy ý kiến trong quy trình ban hành văn bản QPPL còn mang tính hình thức, ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ ban hành văn bản. Một số địa phương xem nhẹ công tác thẩm định văn bản, bỏ qua hoặc triển khai hoạt động này mang tính hình thức. Hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản QPPL và giám sát văn bản QPPL chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục và nghiêm túc, hiệu quả chưa cao.

Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, cần tiếp tục phân tích rõ hơn những hạn chế, tồn tại trong công tác ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND. Nhận thức của cán bộ, chính quyền địa phương có nơi, có lúc chưa đúng mức, chưa đúng yêu cầu. Bên cạnh đó nhiều địa phương không làm tròn vai trò của mình, né tránh trách nhiệm, thay cho việc ban hành văn bản QPPL bằng những văn bản hành chính, thông báo…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, cần có những đánh giá sâu hơn về hoạt động giám sát hiệu lực văn bản của HĐND và UBND. Cần tách riêng việc nghiên cứu, đánh giá chất lượng, hiệu lực văn bản QPPL của HĐND và UBND, do tính chất, chức năng của hai cơ quan này hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt, cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp hậu giám sát, để làm sao mọi quyết định của cơ quan nhà nước phải mang lại quyền lợi, sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng chính sách.

Thanh Hòa - Xuân Khu
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN