Khai mạc Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII

Sáng 22/9, Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII làm việc buổi đầu tiên, cho ý kiến về Dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi) – bộ luật quy mô lớn nhất trong hệ thống pháp luật hiện nay, điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ xã hội trong giao lưu dân sự.

Bộ luật này cũng là nền tảng pháp lý cho hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 31 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Trước khi bắt đầu buổi làm việc, trong phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chi tiết, rà soát kỹ nội dung các dự thảo luật trong chương trình Phiên họp nhằm chuẩn bị thật tốt các dự thảo trình Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội sắp tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Kỳ họp thứ 8 tới sẽ là Kỳ họp có thời lượng dài nhất từ trước đến nay trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII với khối lượng lớn các dự án xây dựng luật, pháp lệnh nhằm triển khai thi hành Hiến pháp.

Liên quan đến chương trình chất vấn hai Bộ trưởng, Trưởng ngành tại Phiên họp thứ 31: Tài nguyên và Môi trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Nội dung chất vấn tại Phiên họp lần này tập trung vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của các Bộ trưởng, Trưởng ngành từ phiên chất vấn lần trước; đồng thời thảo luận những nhiệm vụ trọng tâm đối với hai lĩnh vực này từ nay đến hết nhiệm kỳ.

Trình bày Tờ trình dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sau hơn 8 năm thi hành, Bộ luật dân sự cơ bản đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, bộ luật này cũng bộc lộ một số bất cập, vướng mắc, cần sửa đổi để phù hợp hơn với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Việc sửa đổi, bổ sung lần này nhằm hoàn thiện Bộ luật dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia, ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, tổ chức trong quan hệ dân sự, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp đã được sửa đổi.

Đáng chú ý, do tầm quan trọng của dự án, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) dự kiến sẽ được tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia về pháp luật dân sự và người dân và sẽ được cho ý kiến trong 3 Kỳ họp của Quốc hội.

Dự thảo Bộ luật có tổng số 672 điều, giữ nguyên 263 điều, sửa đổi 297 điều, bổ sung 126 điều, bãi bỏ 149 điều so với Bộ luật hiện hành.

Trong báo cáo thẩm tra dự án này, liên quan đến phạm vi sửa đổi Bộ luật này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, mặc dù Luật Đất đai đã có quy định về quyền sử dụng đất nhưng chỉ tập trung quy định về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, trong đó có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không quy định cụ thể về các hình thức chuyển quyền sử dụng đất.

Hiện nay, hầu hết các luật chuyên ngành đều có các quy định về hợp đồng chuyên ngành. Việc Bộ luật dân sự và Luật đất đai không quy định về các hình thức chuyển quyền sử dụng đất mà giao Chính phủ quy định là không hợp lý. Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ lại một số nội dung có tính nguyên tắc cơ bản của quan hệ dân sự về đất đai, coi việc chuyển quyền sử dụng đất là loại giao dịch dân sự đặc thù, các vấn đề cụ thể sẽ do pháp luật chuyên ngành quy định.

Đối với quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cũng là một loại quyền tài sản, Ủy ban pháp luật nhất trí những quy định chung về tài sản trong đó có quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ mang tính nguyên tắc được quy định trong Bộ luật này, các nội dung cụ thế sẽ do luật chuyên ngành điều chỉnh.

Góp ý tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn thảo kỹ lưỡng về phạm vi của dự thảo Luật, đảm bảo đúng nguyên tắc “việc dân sự cốt ở đôi bên”.

"Những nội dung đã được sửa đổi trong Hiến pháp thì cũng phải được sửa đổi trong Bộ luật Dân sự; trong đó, chú trọng đến việc mở rộng hơn nữa quyền dân chủ của người dân. Các nội dung sửa đổi cần đảm bảo trên cơ sở kế thừa tinh hoa của Bộ luật Dân sự cũ kết hợp với quá trình thực tế thi hành pháp luật và bám sát tinh thần Hiến pháp", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến của của các cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia về pháp luật dân sự và người dân đóng góp vào dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để đảm bảo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Việc sửa đổi các nội dung trong Bộ Luật Dân sự cần tính toán kỹ, bởi đây là đạo luật nền, ảnh hưởng tới nhiều luật chuyên ngành khác. Sửa đổi Bộ Luật Dân sự phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội theo hướng kinh tế thị trường, là nền tảng để thúc đẩy và hình thành các chủ thể xã hội dân sự.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị xác định cụ thể hơn phạm vi điều chỉnh của dự án; thể chế hóa một cách cụ thể, chi tiết các nội dung về quyền nhân thân đã quy định trong Hiến pháp.


Quang Vũ









Phiên họp thứ 30 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Bảo đảm nhà ở xã hội đến đúng đối tượng
Phiên họp thứ 30 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Bảo đảm nhà ở xã hội đến đúng đối tượng

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN