Khai mạc phiên họp thứ 10, Ủy ban thường vụ Quốc hội

Sáng 13/8, phiên họp thứ 10 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.


 

Sáng 13/8, phiên họp thứ 10 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

 

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực, chủ động của các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo các nội dung của phiên họp thứ 10. Về nội dung công tác xây dựng pháp luật, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào một số dự án Luật như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Hòa giải cơ sở, Luật Thủ đô...; cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn về việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.


Đối với hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, sẽ có 3 bộ trưởng, trưởng ngành gồm: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời chất vấn Thường vụ Quốc hội. Nội dung của chất vấn sẽ xoay quanh những vấn đề được cử tri quan tâm như giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý nợ xấu... Thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo về giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Đặc biệt tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian để xem xét, thảo luận cho ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.


Ngay sau khai mạc, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư. Nội dung của dự án Luật đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.


Quy định cho phép viên chức được hành nghề luật sư là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, nên chấp nhận viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư để tận dụng nguồn chất xám của lực lượng này, đồng thời tạo điều kiện để giảng viên có thêm thực tiễn.

 

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng nên quy định cho phép giảng viên được hành nghề luật sư nhưng chỉ nên giới hạn giảng viên được tham gia các hoạt động tư vấn pháp lý, không tham gia hoạt động tố tụng. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng tán thành với quan điểm này và cho rằng, giảng viên chỉ nên chú trọng vào chuyên môn giảng dạy, nếu có hành nghề luật sư cũng chỉ giới hạn ở hoạt động tư vấn pháp lý.


Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp lập luận, theo quy định của Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987 và Pháp lệnh luật sư năm 2001 thì công chức, viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật vẫn được phép hành nghề luật sư. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn áp dụng, đánh giá những ưu, nhược điểm của quy định này, khi thông qua Luật Luật sư (tháng 6/2006), Quốc hội khóa XI đã quyết định không quy định vấn đề này. Như vậy, nếu sửa đổi lại quy định như đã nêu trên sẽ không phù hợp với mục tiêu nâng cao chất lượng và định hướng chuyên nghiệp hóa đội ngũ luật sư Việt Nam.


Xung quanh Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, đại biểu Trương Thị Mai thống nhất với Ủy ban thẩm tra cho rằng, về cơ bản, quy định hiện hành về việc giao Liên đoàn luật sư Việt Nam ban hành và giám sát thực hiện Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư không có vướng mắc.

 

Điều này khẳng định vị thế, vai trò tự quản của Liên đoàn, đồng thời quy định này cũng phù hợp với thông lệ chung của nhiều nước trên thế giới. Vì vậy đề nghị chỉnh lý khoản 3 Điều 65 dự thảo Luật theo hướng, vẫn giao Liên đoàn luật sư Việt Nam ban hành và giám sát thực hiện Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư và bổ sung nội dung Quy tắc trên phải phù hợp với Luật này và Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hạn chế sự tùy tiện trong quản lý hành nghề luật sư.


Cũng trong buổi sáng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc thành lập Vụ Thi đua - Khen thưởng và công tác chính trị của Tòa án nhân dân tối cao. Qua thảo luận đa số ý kiến của các đại biểu tán thành sự cần thiết thành lập Vụ thi đua - Khen thưởng và Công tác chính trị thuộc bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao. Các đại biểu đã dành thời gian thảo luận về tên gọi cũng như chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức và biên chế của Vụ thi đua - Khen thưởng và Công tác chính trị.

 

Quỳnh Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN