Khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất

Tối 25/4, tại Bạc Liêu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng đông đảo các nghệ sỹ, nghệ nhân đã tham dự Lễ khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất.

Là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân Nam bộ, ngày na, Đờn ca tài tử không chỉ là nét đẹp văn hóa được người dân Nam bộ say mê, mà còn được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sau những loại hình nghệ thuật nổi tiếng khác như ca trù, quan họ Bắc Ninh... Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 là dịp để tôn vinh nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tôn vinh để chung tay giữ gìn, bảo vệ, phát huy Đờn ca tài tử là trách nhiệm của thế hệ hôm nay, nhất là đối với Bạc Liêu, nơi sản sinh ra nhiều nghệ nhân Đờn ca tài tử xuất sắc; quê hương của bản “Dạ cổ hoài lang”, tiền thân của bản vọng cổ ngày nay.

Tiết mục nghệ thuật chào mừng Festival Đờn ca tài tử. Ảnh: Đức Tám/TTXVN


Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, là vùng đất được coi là chiếc nôi của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Bạc Liêu cùng với các địa phương trong vùng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ hội Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất như một lời kính cáo, lời tri ân với tiên tổ, với tất cả những cá nhân, tổ chức đã góp phần sáng tạo, gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật rất đỗi bình dị, tự nhiên mà thanh cao, bác học hết sức độc đáo này.

Phó Thủ tướng cho rằng, Lễ hội cũng là hoạt động có quy mô lớn đầu tiên hưởng ứng Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; là hành động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã được xác định là một nhiệm vụ then chốt trong Chiến lược phát triển văn hóa của đất nước, góp phần giữ gìn cốt cách, tâm hồn và bản lĩnh Việt Nam – yếu tố không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo Phó Thủ tướng, Lễ hội cũng là tiền đề để Bạc Liêu triển khai thực hiện định hướng phát triển, đi lên từ nền tảng văn hóa; là dịp để bè bạn trong và ngoài nước thấm thêm tình người, tình đất nơi đây để thêm tình cảm, thêm trách nhiệm chung tay, góp sức dựng xây, nâng cao đời sống mọi mặt của những người dân cần cù, trung hậu, dũng cảm, nghĩa tình – những người xứng đáng được hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc với phẩm giá và những gì đã cống hiến cho đất nước, cho cuộc đời.

Phó Thủ tướng nêu rõ, những điệu nhạc, lời ca và tình người da diết mà cố nghệ nhân Cao Văn Lầu đã gửi lòng mình cũng như 20 bản tổ cũng đã và sẽ được lan tỏa sâu rộng hơn nhờ ứng dụng những công nghệ mới về âm thanh, hình ảnh và truyền thông. Đương nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức không nhỏ để giữ gìn cho được căn cốt của đờn ca tài tử, như tính tùy hứng, tính công bình đúng với tên gọi “tài tử” của loại hình nghệ thuật độc đáo có một không hai này. “Chúng ta hãy cùng nhau chúc mừng những người dân vùng miệt vườn sông nước đã và sẽ tiếp tục hòa mình vào dòng chảy văn minh nhân loại không chỉ với tư cách người được hưởng thụ, chia sẻ mà còn tham gia sáng tạo, giữ gìn lưu chuyển những điều tưởng chừng vô cùng mộc mạc, chân thành và đơn sơ đã trở thành di sản đại diện của cả loài người" - Phó Thủ tướng nói.

Chúc mừng và cổ vũ cho sự vươn lên mạnh mẽ của Bạc Liêu và của cả vùng quê hương của đờn ca tài tử, Phó Thủ tướng kêu gọi hãy cùng nhau để Đờn ca tài tử trên đất Bạc Liêu tiếp tục hòa vào dòng sông tinh hoa văn hóa Việt Nam, vào biển kho tàng văn hóa của nhân loại, tiếp thêm động lực phát triển. Đồng thời chung sức đồng lòng để sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước bằng tất cả trách nhiệm và tấm lòng biết ơn đối với cha ông cũng như đối với thế hệ mai sau.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 6 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong gìn giữ và phát huy các giá trị của Đờn ca tài tử.

Với chủ đề chính “Đờn ca tài tử - tình người, tình đất phương Nam”, chương trình đã giới thiệu truyền thống lịch sử và vẻ đẹp của vùng đất và con người Bạc Liêu nói riêng, người dân Nam bộ nói chung với tính cách và tấm lòng phóng khoáng, hào hiệp, nghĩa tình.

21 sự kiện sẽ diễn ra trong suốt thời gian lễ hội từ ngày 24 đến 29/4/2014. Bạc Liêu sẽ góp mặt với 20 tỉnh, thành phố cùng tổ chức một “bữa tiệc” với những nhạc cụ dân tộc quen thuộc và giọng ca ngọt ngào của các tài tử.


Thiện Thuật - Cao Thăng
Bạc Liêu triển khai nhiều hoạt động quảng bá đờn ca tài tử
Bạc Liêu triển khai nhiều hoạt động quảng bá đờn ca tài tử

Hơn 300 thanh niên tình nguyện làm hướng dẫn viên đã được chọn tập huấn nghiệp vụ, kỹ thuật và phương thức trình bày để hướng dẫn khách tham quan tại những nơi diễn ra sự kiện trong suốt thời gian Festival.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN