Khắc phục những bất cập về quy định hộ gia đình

Góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cần thiết. Tuy nhiên, để tránh rắc rối phát sinh khi giải quyết tranh chấp trong các giao dịch kinh tế thì luật cần quy định tiêu chí, căn cứ cụ thể xác định thành viên hộ gia đình.

Theo BLDS hiện hành, hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này.

Bà Doãn Thị Vân Anh, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đánh giá, quy định này không đề cập cụ thể tiêu chí, căn cứ xác định thành viên hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự. Chính sự bất cập này dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau, ngay cả các cơ quan thực thi pháp luật và các cán bộ tư pháp như thẩm phán, luật sư, công chứng viên, công chức tư pháp, hộ tịch… cũng gặp nhiều khó khăn khi xác định thành viên hộ gia đình. Việc xác định thành viên hộ gia đình dựa trên hộ khẩu hay quan hệ hôn nhân, huyết thống hay dựa trên các căn cứ khác thường không thống nhất, gây khó khăn khi thực hiện giải quyết tranh chấp trong các giao dịch kinh tế.

Về tài sản của hộ gia đình, BLDS cũng chưa quy định cụ thể về phân tách giữa tài sản của các thành viên hộ gia đình (tài sản cá nhân của một thành viên, tài sản chung của vợ chồng, tài sản chung của cha mẹ và con…) với tài sản chung của hộ gia đình. Do đó, trong thực tiễn, khi xác lập, thực hiện các giao dịch thường bị đánh đồng tài sản của các thành viên hộ gia đình là tài sản hộ gia đình và ngược lại. Chính điều này đã tác động không nhỏ đến việc thực hiện các quyền sở hữu của hộ gia đình và thành viên hộ gia đình.

Khẳng định hộ gia đình là những thực thể đang tồn tại trong xã hội và tham gia vào nhiều quan hệ pháp luật dân sự và cũng xuất phát từ các điều kiện đặc thù về kinh tế, văn hóa, gia đình và lịch sử của nước ta, bà Doãn Thị Vân Anh cho rằng, việc tiếp tục ghi nhận hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cần thiết.  Tuy nhiên cần có định nghĩa rõ ràng cũng như quy định cụ thể tiêu chí, căn cứ xác định thành viên hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự.

Đồng tình với quan điểm này, luật sư Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Văn phòng Công chứng Nguyễn Tú cũng cho rằng, nếu chúng ta vẫn coi hộ gia đình là một chủ thể của quan hệ dân sự có liên quan đến tài sản của hộ thì sửa đổi lần này phải quy định rõ tiêu chí để xác định cơ cấu thành viên có quyền sở hữu chung đối với tài sản của hộ gia đình.


Trong thực tiễn áp dụng luật, do không có tiêu chí cụ thể nên nhiều người dân và ngay cả những người có thẩm quyền vẫn căn cứ vào cơ cấu thành viên trong hộ gia đình theo sổ hộ khẩu thường trú để xác định thành viên hộ gia đình với tư cách là những người có quyền sở hữu đối với tài sản. Cách tư duy này gây rất nhiều khó khăn cho chủ sở hữu đích thực khi đưa tài sản vào các giao dịch vì các thành viên hộ gia đình thường xuyên có sự thay đổi do tách, nhập (thậm chí chỉ là cho nhập nhờ hộ khẩu), sinh, tử, kết hôn… Sự biến động này khiến cho việc xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi thành viên hộ gia đình khi đưa tài sản của hộ vào giao dịch hoặc khi có tranh chấp gặp rất nhiều khó khăn.


Thu Phương


Tôn vinh những hộ gia đình làm nông nghiệp

Canh tác nông hộ được đặt là một trong các chủ đề trọng tâm được chú ý thảo luận nhân Ngày Lương thực Thế giới 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN