Khắc phục hậu quả bão số 4 - Chủ động phòng chống bão số 5

Trong những ngày qua, thiên tai đã gây ảnh hưởng nhiều đến khu vực miền Trung và Nam bộ. Cơn bão số 4 đã gây ra mưa lớn trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung, ảnh hưởng trực tiếp từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế. Tại Nam bộ, lũ đồng bằng sông Cửu Long lên cao kể từ sau trận lũ lịch sử năm 2000, gây khó khăn cho không ít địa phương với các hệ lụy như sụt lở vùng dân cư, tràn đê bao đe dọa an toàn các vùng chuyên canh lúa và hoa màu. Trong khi đó, cơn bão số 5 hình thành sau cơn bão số 4 với cường độ mạnh, sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 13, đã đi vào vùng Biển Đông; dự báo có thể ảnh hưởng tới các tỉnh phía Bắc đến Nghệ An. Để khắc phục và đối phó với bão lũ, các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp hữu hiệu nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống.

Miền trung: Tập trung khắc phục hậu quả

Để khắc phục hậu quả của cơn bão số 4, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp đoàn thể tạm thời hoãn các cuộc họp, gác lại các công việc, tập trung lực lượng giúp nhân dân thu hoạch lúa do ảnh hưởng cơn bão số 4. Trong hai ngày 26, 27/9, Hà Tĩnh đã huy động 1.646 cán bộ chiến sỹ công an, quân sự, biên phòng giúp nhân dân ở tất cả các huyện thu hoạch được hàng trăm hécta lúa hè thu chạy bão lũ.

Nông dân ven thành phố Đông Hà thu hoạch lúa bị ngập do cơn bão số 4. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN


Các cơ sở đoàn cũng đã huy động 5.000 lượt đoàn viên, thanh niên về các địa phương giúp nhân dân giằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản và thu hoạch lúa Hè thu. Tại huyện miền núi Vũ Quang, Huyện đoàn huy động 100 đoàn viên, thanh niên lực lượng nòng cốt trong Đội Thanh niên xung kích tình nguyện của các xã, thị trấn tổ chức giằng néo 22 ngôi nhà, di chuyển hàng chục tấn lương thực, vật dụng đến nơi an toàn cho các hộ gia đình neo đơn, gia đình chính sách ở các xã Đức Hương, Đức Lĩnh, Hương Minh, thị trấn Vũ Quang. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh có quyết định cho học sinh các trường trung cấp, cao đẳng, trường dạy nghề, trường THCS, THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên nghỉ học hai ngày giúp gia đình thu hoạch lúa... Theo thống kê của Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh) đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 20.000 hécta lúa đạt 50% diện tích, trong đó huyện Đức Thọ đã thu hoạch được 3.500 ha, Cẩm Xuyên 3.700 ha, Can Lộc 2.500 ha.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong mấy ngày vừa qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhanh chóng triển khai phương án sơ tán di dời dân ở những nơi thấp trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ven cửa sông, vùng ven biển đến nơi an toàn. Lực lượng bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên và các phương tiện như ô tô, tàu, thuyền, tổ chức trực 24/24 giờ, sẵn sàng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn theo kế hoạch; xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, hệ thống thông tin liên lạc được chuẩn bị chu đáo, phục vụ công tác phòng chống bão lụt. Đại tá Đặng Ngọc Nghĩa, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đưa hơn 100 sĩ quan về các vùng thấp trũng, ven cửa sông, cửa biển, vùng đầm phá, cùng các đơn vị giúp chính quyền địa phương phòng chống bão lụt. Bên cạnh đó, hơn 120 cán bộ, chiến sĩ đã tham gia gia cố đập chứa nước Thọ Sơn, Hương Xuân, Hương Trà. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng thành lập hai Sở Chỉ huy tiền phương, sẵn sàng chỉ đạo việc ứng cứu khi có tình huống lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn.

Nam Bộ: Gia cố đê bao, hỗ trợ người dân

Trước tình hình lũ lên cao, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang đã huy động trên 1.000 cán bộ chiến sĩ tham gia giúp địa phương củng cố hệ thống đê bao. Tại huyện Châu Phú, các Tiểu vùng K9 Vịnh Tre - K8 Cây Gáo, xã Thạnh Mỹ Tây có 2 tuyến đê K8 dài 10 km đã bị ngập nhiều đoạn. Đập K9 dài 15 mét bị rò rỉ nước. Nhiều vùng đang bị sạt lở, nước tràn đê kéo dài cả kilômét như vùng Hào Đề Vịnh Tre - Cần Thảo, tuyến k7 - k10 Vịnh Tre - Cần Thảo, tuyến tây kênh 7, tuyến bắc Vịnh Tre từ kênh 7 đến kênh 10, tuyến đông kênh 10... Ở Xã Bình Mỹ, tuyến Đông k2 dài 700 mét đã bị tràn nước, đang thực hiện gia cố. Riêng tuyến k11- k13 Cần Thảo - Kênh Đào, phương tiện cơ giới xáng cạp đang gia cố nâng cao cho toàn tuyến. Đến ngày 27/9, các đơn vị bộ đội kết hợp với địa phương đã gia cố khoảng 68 km các tuyến đê bị sạt và tràn, tạm thời ổn định được tình hình. Hiện nay, các đơn vị bộ đội vẫn tiếp tục đóng quân tại chỗ, để kịp thời ứng cứu khi cần thiết.

Tại tỉnh Kiên Giang, do liên tiếp có mưa to cộng với việc tỉnh An Giang cho xả hai đập Tha La và Trà Sư đã làm cho mực nước đầu nguồn sông Cửu Long vùng Tứ giác Long Xuyên lên nhanh, cao hơn từ 30 - 40cm gây khó khăn cho việc thu hoạch lúa. Huyện biên giới Giang Thành đã huy động bộ đội biên phòng tập trung giúp dân thu hoạch lúa chạy lũ. Đồn Biên phòng 965 Vĩnh Điều đã giúp dân thu hoạch được 200 ha lúa. Huyện vẫn còn lại gần 13.000 ha lúa đang bị lũ đe dọa. Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng với lực lượng bộ đội đóng trên địa bàn gia cố bờ bao, nạo vét kênh và thực hiện bơm tát cho những cánh đồng lúa bị ngập sâu. Phòng Nông nghiệp huyện tăng cường kiểm tra các đê bao, trước đó đã cho mở tất cả cống lớn, nhỏ ven biển tây nhằm xả nước nhanh để giảm bớt áp lực trước khi lũ đổ về với cường suất lớn. Chính quyền địa phương còn huy động bộ đội, công an, lực lượng dân phòng sẵn sàng ứng cứu, xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

Trước tình hình lũ đồng bằng sông Cửu Long lên cao, trực tiếp đe dọa cuộc sống của nhân dân, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cấp cho 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp, mỗi tỉnh 50 triệu đồng để mua áo phao, phao cứu sinh và một số nhu yếu phẩm thiết yếu khác phục vụ các hoạt động cứu trợ khẩn cấp tại địa bàn. Trung ương Hội cũng chỉ đạo các tỉnh, thành Hội tiếp tục tổ chức lực lượng tham gia hoạt động phòng chống lũ tại các địa bàn xung yếu, như: Gia cố đê, bờ bao, tổ chức các tổ/chốt cấp cứu, đưa rước học sinh đến trường, trợ giúp về lương thực, thực phẩm cho các gia đình gặp khó khăn, do phải di dời tới nơi ở mới...; thường xuyên theo dõi sát diễn biến của lũ, chủ động chuẩn bị tiền, hàng cứu trợ và lực lượng cứu trợ, kịp thời tổ chức hoạt động ứng phó với lũ; phân công trực 24/24 giờ. Ngoài ra, Trung ương Hội triển khai mua 1.000 áo phao và một lượng lớn viên lọc nước Aquatabs, sẵn sàng cấp phát cho các địa phương khi có nhu cầu.

Chủ động đối phó với bão số 5

Để đối phó với diễn biến bất lợi do bão NESAT (cơn bão số 5) gây ra, ngày 27/9, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các ban, ngành chức năng, đơn vị tăng cường kiểm tra các công trình hồ đập, trạm bơm tiêu, sông trục tiêu, các công trình đê điều, các công trình đang xây dựng; chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn để chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống bất lợi do bão, lũ gây ra. Theo đó, các quận, huyện tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng khẩn trương thu hoạch nhanh gọn lúa mùa; thường trực 24/24 giờ để theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão NESAT, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo kịp thời về UBND thành phố, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão úng thành phổ để tập trung chỉ đạo.

Tại Quảng Bình, theo ông Nguyễn Ngọc Giai, Chánh Văn phòng Ban Phòng chống bão lụt và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, dù cơn bão số 4 đã qua, nhưng công tác phòng chống vẫn phải được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh với cấp độ cao hơn để sẵn sàng đối phó với cơn bão số 5.

Chuyển cừ tràm để gia cố đê, bảo vệ lúa tại TT Tràm Chim, huyện Tam Nông. Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Trước mắt, Quảng Bình vẫn duy trì việc quản lý chặt chẽ số tàu thuyền tại địa phương, không để bất kỳ một trường hợp nào ra khơi trong lúc này. Đối với các vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, ngập lụt như ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, vùng trũng và ven biển ở các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Minh Hóa và Tuyên Hóa vẫn giữ nguyên kế hoạch di dời dân đến vùng an toàn. Tuy nhiên, việc di dời vẫn phải theo cơ chế nhanh nhạy, bám sát thực tế ảnh hưởng của bão lụt. Tỉnh Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo các địa phương trong tỉnh chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, lương thực và thực phẩm theo tinh thần “4 tại chỗ” cho các vùng có nguy cơ bị chia cắt khi có bão lụt xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Bài, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, để phòng chống bão NESAT, yêu cầu các địa phương và các sở, ban, ngành tiếp tục tập trung triển khai các phương án phòng chống bão, lũ; duy trì lực lượng, phương tiện trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống. Tỉnh Quảng Trị yêu cầu thông tin cho các phương tiện tàu, thuyền biết vị trí và diễn biến của bão; triển khai các phương án phòng chống bão đổ bộ vào đất liền; kiểm tra, rà soát và thông báo đến các khu vực dân cư đang sống ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có phương án di dời; kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai các phương án chống lũ cho các công trình đê điều, hồ đập và các công trình đang thi công, đường giao thông, hệ thống điện, thông tin liên lạc. Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt lực lượng, phương tiện thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là thu hoạch diện tích lúa hè - thu; chủ động triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo quản sản phẩm để giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn 6 huyện ven biển, hải đảo và Ban Chỉ huy PCLB các sở, ngành liên quan của tỉnh, Cảng vụ Quảng Ngãi, Nhà máy lọc dầu Dung Quất khẩn trương triển khai công tác phòng tránh, đối phó với cơn bão, nhằm đảm bảo an toàn cho người, phương tiện giao thông và các tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Đến chiều 27/9, tại các khu neo trú tàu thuyền huyện đảo Lý Sơn, Tịnh Hòa (Sơn Tịnh), Mỹ Á (Đức Phổ) đã có hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh vào neo trú bão. Từ ngày 27/9 trở đi, Ban chỉ huy PCLB các huyện, các ngành trực ban 24/24 giờ để kịp thời nắm bắt thông tin, báo cáo kịp thời tình hình tại các địa phương, đơn vị…

Thành Hiển (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN