Huy động sự tham gia của cộng đồng trong biên soạn Bách khoa toàn thư

Ngày 26/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe báo cáo thực hiện Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam; Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tại cuộc họp, cơ quan thường trực 2 đề án đã xem xét, thảo luận phương án phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong triển khai các nhiệm vụ với mục tiêu sáng tạo và phổ biến tri thức đến người dân. Trong đó, các đại biểu đã trao đổi, phân tích về phương thức, cách làm mới trong tổ chức biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam với sự hỗ trợ của Hệ tri thức Việt số hóa.

Cụ thể, với khoảng 60.000 mục từ cần biên soạn của Bách khoa toàn thư Việt Nam, đề án Hệ tri thức Việt số hóa sẽ xây dựng nền tảng phần mềm (tạm gọi là Bách khoa toàn thư mở) để kêu gọi các nhà khoa học, người dân, cộng đồng cùng tham gia biên soạn nội dung các mục từ. Từ nguồn dữ liệu thô, các nhà khoa học có thêm thời gian xem xét, xử lý, gia tăng hàm lượng tri thức trong từng mục từ. Những cá nhân, tổ chức tham gia xây dựng Bách khoa toàn thư mở sẽ được cộng đồng ghi nhận, tôn vinh theo đúng tôn chỉ của Hệ tri thức Việt số hóa: Chia sẻ tri thức - Kết nối cộng đồng - Cổ vũ sáng tạo. Sau khi hoàn thành, ngoài bản in giấy, nội dung bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam cũng sẽ được công khai trên mạng và cập nhật liên tục.

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí cho rằng, nếu áp dụng phương pháp biên soạn mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, với tinh thần cầu thị thì sẽ huy động được sự đóng góp của cả cộng đồng đồng thời có thể rút ngắn thời gian thực hiện Đề án.

Trước đó, tại các cuộc làm việc với Ban Chủ nhiệm Đề án biên soạn Bách khoa toàn Việt Nam các năm 2016, 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam luôn nhấn mạnh: Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam là quá trình liên tục, vì vậy rất cần thống nhất cách làm trên tinh thần mở và linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế công nghệ thông tin, mạng Internet.

Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam là việc hết sức có ý nghĩa nhằm giới thiệu một cách toàn diện, có hệ thống, chuẩn xác những tri thức cơ bản nhất về đất nước, con người, lịch sử xã hội, văn hóa, khoa học-công nghệ của Việt Nam và thế giới từ xưa đến nay… Đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm của cộng đồng khoa học Việt Nam.

Theo Báo cáo của Ban Chủ nhiệm Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, đến nay, Đề án đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng đề cương các quyển chuyên ngành, xác định số lượng mục từ cần biên soạn (khoảng 60.000 từ). Tuy nhiên, với cách biên soạn như truyền thống, thời gian thực hiện Đề án sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành.

Đối với Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Chính phủ hướng tới xây dựng một nền tảng hạ tầng dữ liệu và tri thức cho người dân nhằm phục vụ cho học tập, nâng cao trình độ kiến thức, tạo ra các ứng dụng phục vụ cho cộng đồng và xã hội. Đây là đề án không sử dụng ngân sách Nhà nước, tận dụng thế mạnh công nghệ thông tin với sự chung tay từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng. Đề án đang triển khai nhiều phân hệ trong lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch, nhân đạo, văn hóa… Chẳng hạn, Dự án nổi bật bản đồ số Việt Nam đã tạo lập và chia sẻ dữ liệu nền tảng của bản đồ số Việt Nam để cộng đồng, các doanh nghiệp khai thác, sử dụng, tạo ra các ứng dụng phục vụ đời sống, sản xuất, kinh doanh. Dự án nổi bật giáo dục số đã tập hợp trên 50.000 câu hỏi trắc nghiệm và trên hàng chục nghìn bài giảng điện tử. Dự án nổi bật kết nối nhân đạo là hệ thống thu thập và cung cấp các địa chỉ nhân đạo trên toàn quốc, cho phép kết nối các đối tượng có liên quan trong hệ thống nhân đạo...

Phan Phương (TTXVN)
Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam thành công cụ tra cứu chuẩn mực
Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam thành công cụ tra cứu chuẩn mực

Theo Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam trở thành công cụ học tập, tra cứu chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, cần được chú trọng và đẩy mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN