Đoàn chủ tịch điều hành hội thảo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Hội thảo lần này nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong duy trì hòa bình và an ninh trên biển trong khu vực. Hội thảo tiếp tục xem xét những biện pháp thực tế để thu hẹp khoảng cách về nhận thức giữa các quốc gia trong việc bảo đảm an ninh biển và tăng cường phát triển kinh tế.
Với sự đóng góp nhiệt tình của các diễn giả đến từ các quốc gia ASEAN, hội thảo đã bàn về những biện pháp mà ASEAN và các đối tác có thể phối hợp để duy trì trật tự trên biển.
Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia quốc tế đến từ Anh, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Ấn Độ và Indonesia. Ngoài ra, các chuyên gia trong nước từ Học viện Ngoại giao Việt Nam cũng có những đóng góp trong quá trình thảo luận.
Hội thảo đón tiếp các chuyên gia đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm chuyên gia từ các bộ, ban, ngành, các học giả và các nhà ngoại giao ở Hà Nội.
Tại phiên khai mạc, Giám đốc Học viện Ngoại giao, Phó Giáo sư Nguyễn Vũ Tùng phát biểu, hội thảo này có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của không chỉ giới trí thức, mà còn của cộng đồng quốc tế để có thể giải quyết những vấn đề trên biển.
Phó Giáo sư Nguyễn Vũ Tùng cho rằng luật pháp quốc tế hiện nay đã có nhiều bước đột phá quan trọng. Phán quyết của Tòa Trọng tài đã làm rõ một số diễn giải cho các vấn đề về luật biển và chúng ta nên coi Phán quyết này là bước đầu để giải thích rõ hơn các quy định trong luật biển và xây dựng chính sách liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever nhấn mạnh những diễn biến đáng chú ý kể từ khi Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực được công bố năm 2016, đồng thời khẳng định rằng Vương quốc Anh hiểu rõ quyết định này có tính ràng buộc và cần được tôn trọng. Việc thông qua Bộ khung Quy tắc Ứng xử là bước tiến quan trọng, tạo cơ hội cho Bộ Quy tắc Ứng xử trở thành một văn kiện có ý nghĩa, thúc đẩy hợp tác và phát triển hòa bình tại Biển Đông.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda cũng tập trung vào phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực và nhấn mạnh rằng mặc dù hơn một năm đã trôi qua kể từ ngày công bố, nhưng trật tự quốc tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chưa được thực thi đầy đủ.
Đại sứ Nhật Bản Kunio Umeda đánh giá cao sự đa dạng của các diễn giả quốc tế và khu vực trong hội thảo năm nay và hi vọng rằng hội thảo sẽ xác định các phương thức để vùng biển châu Á có thể trở thành vùng biển mở và tự do, đồng thời không bị chi phối bởi sức mạnh, mà sẽ được điều chỉnh bằng luật pháp.
Hội thảo này là sự tiếp nối thành công của hội thảo năm trước với 156 đại biểu tham dự, 30 bài thuyết trình và bình luận và nhiều khuyến nghị, kết luận đa dạng.
Một số khuyến nghị quan trọng nhằm quản lý trật tự trên biển được đưa ra trao đổi bao gồm: Nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế, nhu cầu hợp tác chặt chẽ hơn giữa ASEAN và các đối tác quốc tế và nhu cầu xây dựng năng lực trong lĩnh vực biển.