68 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, hàng ngàn người “anh hùng áo vải” phủ Thái Ninh (nay là xã Đông Phong, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đã đứng lên giành chính quyền từ tay phát xít Nhật.
Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu – TTXVN |
Dịp kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với ông Nguyễn Thiết Thạch (88 tuổi, thôn Cổ Hội Tây) là chứng nhân duy nhất còn lại ở xã Đông Phong từng sống trong những ngày tháng Tám lịch sử. Miền đất cách mạng Thái Ninh năm xưa giờ đây đã mang diện mạo của vùng nông thôn mới với nhiều khởi sắc.
Tuy đã ở tuổi “xưa nay hiếm” song hình ảnh về cuộc khởi nghĩa của những người nông dân ở phủ Thái Ninh xưa dường như đã ăn sâu vào tâm trí ông Thạch như một kí ức không thể nào quên. Ông kể, sau khi thực dân Pháp xâm lược đất nước ta, các đơn vị hành chính có sự phân định lại. Năm 1890, tỉnh Thái Bình được thành lập, huyện Thanh Quan tách khỏi tỉnh Nam Định và chuyển về thuộc tỉnh Thái Bình. Tiếp đó, chính quyền thực dân phong kiến đổi huyện Thanh Quan thành phủ Thái Ninh, bộ máy phủ lỵ đặt ở thôn Long Mỹ (nay là thôn Châu Giang, xã Đông Phong), đứng đầu là tri phủ Trần Mạnh Hoan.
Cuối năm 1944, ông Thạch tham gia Đoàn thanh niên cứu quốc phủ Thái Ninh do thầy giáo Nguyễn Đình Đông làm trưởng đoàn. Từ đây, người thanh niên Nguyễn Thiết Thạch gia nhập đội quân cách mạng, tham gia công tác tuyên truyền.
Ngay khi nhận được tin Nhật đầu hàng đồng minh, trưa 18/8/1945, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên bất thường tại làng Thượng Tầm, phủ Thái Ninh quyết định khởi nghĩa trong toàn tỉnh, giao nhiệm vụ cho các đồng chí cán bộ các phủ, huyện về ngay các địa phương lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền.
Ông Thạch nhớ lại: “Chỉ vài giờ sau cuộc họp của Tỉnh ủy, ngay buổi chiều 18/8/1945, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Quang Phục - thành viên tổ Việt Minh phủ Thái Ninh, cùng với lực lượng cách mạng, hàng trăm người dân đã tiến vào phủ đường Thái Ninh khởi nghĩa giành chính quyền, tước vũ khí của đám lính”.
Người nối người, cả thôn Cổ Hội Tây của ông Thạch ai cũng theo tiếng trống cách mạng, có nhà cả gia đình 7 người tiến ra phủ đường, giành chính quyền. Đúng 5 giờ chiều hôm đó, lá cờ đỏ sao vàng được cắm trên cổng phủ Thái Ninh, báo hiệu cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi. Từ đây, phong trào đấu tranh dấy lên khắp nơi và sau một tuần lễ, ngày 24/8/1945, Cách mạng tháng Tám đã thành công trên toàn tỉnh Thái Bình.
Sau khi chính phủ cách mạng lâm thời được thành lập, đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, ông Thạch tiếp tục làm nhiệm vụ tuyên truyền về phong trào “diệt giặc đói”. Với “công cụ truyền thanh đặc biệt” làm từ mảnh tôn cuộn lại theo hình cái loa, ông Thạch đi khắp các thôn xóm kêu gọi, động viên mọi người trong xã đóng góp “hũ gạo cứu đói”. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, xã Đông Phong đã thu được được nhiều thóc nhất huyện và trở thành một trong những điểm sáng trong phong trào “diệt giặc đói” của tỉnh Thái Bình.
Bên cạnh những ký ức về cuộc khởi nghĩa lật đổ ách cai trị của phát xít, ông Thạch còn nhớ kỷ niệm được nhìn thấy Bác Hồ trong lần Người về thăm Thái Bình lần thứ hai ngày 28/4/1946. Hồi ấy cả làng “kháo” nhau chuyện “Ông Cụ sẽ về Thái Bình”. Ai cũng háo hức muốn được gặp Người nên từ trưa 28/4/1946, cả làng đã kéo nhau đi bộ gần 6 km ra đường quốc lộ 39 chờ sẵn. Chờ đến chiều thì thấy phái đoàn xe của Bác đi qua. Hình ảnh Cụ Hồ giản dị từ trong xe vẫy tay chào đồng bào hai bên đường làm ông nhớ mãi.
Sau này, khi đất nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông Thạch lại tiếp tục tham gia quân ngũ. Ông đi nhiều mặt trận từ Bắc vào Nam, đến năm 1960 do bị thương, ông được chuyển sang công tác tại thủy điện Thác Bà. Năm 1971, ông Thạch trở về quê hương. Là người lính từng đi qua nhiều cuộc chiến, hơn ai hết ông hiểu về sự đổi thay của đất nước. Chính vùng đất cách mạng Đông Phong quê hương ông cũng đã chuyển mình rõ rệt với đường làng khang trang, sạch đẹp, đời sống nhân dân cũng ổn định hơn, Xã phấn đấu năm 2013 hoàn thành 16/19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới và đến hết năm 2014 là xã nông thôn mới của tỉnh.
Trong suốt câu chuyện, ông Thạch trăn trở: Liệu sau này con cháu mình có ai còn nhớ đến phủ Thái Ninh xưa, Đông Phong nay- nơi là vùng đất phất cờ đầu tiên khởi nghĩa hồi năm 1945 ở tỉnh Thái Bình. Ông bảo: “Trước đây xã còn có nhà bảo tàng ghi lại những dấu tích của thời tiền khởi nghĩa và cách mạng nhưng năm 1985 bão lớn làm sập mái, từ đó nhà bảo tàng cũng không còn nữa”. Mọi kỷ vật cũng không còn gì ngoài ông là “nhân chứng sống” duy nhất. Mới đây, Đảng ủy xã Đông Phong đã tiến hành sưu tầm tư liệu, biên soạn lịch sử. Vì vậy, những gì ông Thạch trăn trở hy vọng sẽ tìm được lời giải đáp.
Thu Hoài