Hội nghị trực tuyến về một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3

Ngày 27/4, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

Hội nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng nội dung các tờ trình, báo cáo 2 đề án trình Quốc hội trong kỳ họp tới là: Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Cho ý kiến về nội dung đổi mới hoạt động giám sát, các đại biểu đồng tình cao với việc dành toàn bộ thời gian chất vấn tại Hội trường cho việc trả lời câu hỏi trực tiếp; bố trí phiên chất vấn cuối kỳ họp để đại biểu có thời gian chuẩn bị câu hỏi; chất vấn từng nhóm vấn đề theo hướng đối thoại, tranh luận đến cùng. Căn cứ vào kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường, UBTVQH xem xét, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn và trách nhiệm của người trả lời chất vấn trong trường hợp cần thiết. Nghị quyết nêu rõ những nội dung tán thành, không tán thành; các đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; xác định trách nhiệm trong việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội và thời hạn thực hiện…

Liên quan đến hoạt động lập pháp, các đại biểu đề nghị nêu cao hơn nữa vai trò của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra; nâng cao chất lượng dự án trình; kiên quyết không đưa vào Chương trình các dự án không đủ điều kiện.

Hội nghị cũng đã cho ý kiến về các nội dung đổi mới trong tổ chức kỳ họp Quốc hội; tổ chức phiên họp UBTVQH; hoạt động tiếp xúc cử tri; công tác báo chí, tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiện toàn bộ máy tham mưu, giúp việc... Trong đó, đáng chú ý là rút ngắn thời gian các kỳ họp song vẫn hoàn thành nội dung chương trình và bảo đảm chất lượng; tăng cường hoạt động thường xuyên giữa hai kỳ họp Quốc hội... Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, cũng có đại biểu băn khoăn, việc rút ngắn thời gian kỳ họp có thể dẫn tới tình trạng hành chính hóa, Quốc hội không thể hoàn thành tốt chương trình đề ra.

Theo nhiều đại biểu, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc để tiếng nói của cử tri đến được với Quốc hội cũng là vấn đề quan trọng cần quan tâm hiện nay, vì vậy cần dành thời gian thích đáng để cử tri nêu ý kiến, kiến nghị với nội dung phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng, địa bàn. Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm giải quyết các kiến nghị của cử tri. Theo các đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang)..., cải tiến hoạt động của Quốc hội không thể tách rời việc cải tiến tổ chức, bộ máy theo hướng tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan giúp việc; tăng cường đội ngũ đại biểu chuyên trách; sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đặc thù...

lChiều 27/4, Hội nghị tiếp tục cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo nội dung Đề án của Chính phủ, mục tiêu chung của việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế là tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo tốc độ tăng trưởng bình quân 7-8%/năm thời kỳ 2011-2020; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc với lạm phát thấp và các nền tảng vĩ mô vững mạnh; góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia...

Đề án đưa ra định hướng chủ yếu tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gồm các bộ phận: Hệ thống các tổ chức tín dụng; thị trường chứng khoán, các định chế tài chính; đầu tư công; doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh quy mô và nâng cao chất lượng doanh nghiệp dân doanh; cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ phù hợp với các vùng, điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm. Đề án cũng đề xuất 13 nhóm giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế và tổ chức thực hiện.

Góp ý về Đề án này, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cần xây dựng Đề án như một ma trận chính sách với ba trụ cột chính là 3 đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2011 - 2015. Trong đó, xác định 3 lĩnh vực ưu tiên thực hiện gồm: Cơ cấu lại đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính mà trọng tâm là ngân hàng, các tổ chức tài chính; cơ cấu lại doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó trọng tâm là các doanh nghiệp nhà nước.

Ủy ban Kinh tế cũng nhất trí với các nhóm giải pháp lớn trong Đề án của Chính phủ gồm: Xây dựng Chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ trong trung và dài hạn; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; ổn định kinh tế vĩ mô-vừa là tiền đề, vừa là mục tiêu của việc tái cơ cấu nền kinh tế; tái cơ cấu đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư của các thành phần kinh tế; tái cơ cấu thị trường tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp; đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học, công nghệ; nhóm giải pháp xã hội và bảo vệ môi trường.

Tán thành quan điểm đề xuất của Ủy ban Kinh tế, tuy nhiên đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) cho rằng, Đề án cần xác định rõ hơn mục tiêu tăng trưởng theo từng giai đoạn, phân tích một cách khách quan hơn, chi tiết hơn về tình hình, diễn biến kinh tế vùng. Ông Vinh cho rằng, hiện nay, khu vực kinh tế này phát triển chưa tập trung, chưa phát huy được thế mạnh của vùng. Đề án cũng cần chú ý đến vấn đề hiện tại, chất lượng tăng trưởng chung, tính cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, vì vậy cần hài hòa các chỉ tiêu phát triển giữa các vùng.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giải pháp tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng, các đại biểu: Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) có quan điểm: Tái cơ cấu ngân hàng trước tiên phải kiểm soát được các hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng để đánh giá, chấm điểm minh bạch, công khai các đơn vị này. Đặc biệt, cần quyết liệt ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý triệt để tình trạng tín dụng đen, núp dưới danh nghĩa cầm đồ đang ảnh hưởng xấu đến toàn xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế cần đi đôi với việc tái cơ cấu nguồn nhân lực, cơ cấu lại lao động, bởi nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đảm bảo cho thành công của Đề án.

Thanh Hòa - Quang Vũ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN