Hội nghị Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN

ASEAN hoàn tất dự thảo những điểm chính COC


An ninh biển và an toàn năng lượng hạt nhân là hai chủ đề nổi bật tại Hội nghị Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (ASPC) diễn ra ngày 25/5 tại thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự hội nghị này.


Đại diện quốc phòng của 27 quốc gia trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) đã chia sẻ mối quan tâm và khẳng định tầm quan trọng của an ninh khu vực, trong đó nhấn mạnh đến an ninh biển. Các tranh chấp trên biển nói chung và ở Biển Đông nói riêng cần phải được giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các điều ước khu vực. Các nước ủng hộ ASEAN và Trung Quốc thực hiện hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử (COC) vì hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực, cũng như bảo đảm tự do hàng hải và khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế theo luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, các đoàn cũng bày tỏ lo ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, mong muốn các bên liên quan kiềm chế, lắng nghe ý kiến của cộng đồng quốc tế, giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.


Về vấn đề an toàn năng lượng hạt nhân, Hội nghị cho rằng an toàn năng lượng hạt nhân là vấn đề hệ trọng đối với khu vực; cần khuyến khích các nước tham gia các điều ước quốc tế và cơ chế quốc tế về hạt nhân, hoàn thiện khuôn khổ luật pháp trong nước, xây dựng các trung tâm đào tạo và hỗ trợ về an ninh hạt nhân, tăng cường hợp tác quốc tế về vấn đề này.


Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, Việt Nam kiên định quan điểm chống phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và tích cực tham gia các cơ chế để thực hiện việc này nhằm xây dựng khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung phi vũ khí hạt nhân một cách bền vững. Tuy nhiên, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình: “Đây là nguồn năng lượng quan trọng trong tương lai. Chúng ta cần nghiên cứu sử dụng nguồn năng lượng này để phát triển kinh tế của mỗi nước”. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu bật an toàn là yếu tố phải quan tâm hàng đầu khi sử dụng năng lượng hạt nhân.


Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Việt Nam đang nghiên cứu kỹ lưỡng, vạch lộ trình từng bước nghiên cứu sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Ông nhấn mạnh: “Điều kiện tiên quyết đặt ra là phải an toàn trong suốt quá trình hoạt động của các dự án. Việt Nam mong muốn và sẵn sàng hợp tác với các nước để bảo đảm an toàn hạt nhân". Hai kỳ Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân vừa qua, Thủ tướng Việt Nam đều tham dự và có đóng góp tích cực để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, bên cạnh hợp tác quốc tế về công nghệ cao, điều quan trọng hơn là hợp tác xây dựng tiềm lực con người.


ASPC là hội nghị trong khuôn khổ các hoạt động quốc phòng hằng năm thuộc Diễn đàn khu vực ASEAN, được đăng cai theo nguyên tắc luân phiên. ARF ra đời vào ngày 25/7/1994 tại Thái Lan. Đến nay, ARF có 27 thành viên gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN, 10 bên đối tác đối thoại của ASEAN (gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Canađa và Liên minh châu Âu và các nước khác gồm Papua Niu Ghinê, Mông Cổ, CHDCND Triều Tiên, Pakixtan, Bănglađét, Xri Lanca và Timo Lexte.


* Ngày 25/5, Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN+3 đã khai mạc tại thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) với mục đích tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với các đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự bao gồm việc thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN+3 (2007-2012), Kết nối ASEAN+3, Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai, chuẩn bị cho Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+3, dự kiến tổ chức vào tháng bảy tới, và chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 và các hội nghị thượng đỉnh liên quan.


* Trước đó, ngày 24/5, các quan chức cấp cao ASEAN đã hoàn tất dự thảo những điểm chính để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông.


Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia, Soeung Rathchavy, người giữ vai trò chủ trì hội nghị quan chức cấp cao ASEAN lần thứ 7 tổ chức tại Campuchia, cho biết dự thảo này sẽ được trình lên ngoại trưởng các nước ASEAN để đưa ra quyết định cuối cùng trong hội nghị cấp ngoại trưởng ASEAN vào tháng 7 tới. Nếu được thông qua, ASEAN sẽ tiến hành đàm phán với Trung Quốc. Bà Rathchavy đánh giá, việc hoàn tất dự thảo các điểm chính của COC là "một kết quả tích cực", đồng thời nhấn mạnh COC rất quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực cũng như tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc.

 

TTG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN