Hội nghị CG: Việt Nam ứng phó mọi rủi ro

"Việt Nam có thể tự hào nhìn lại những thành tựu tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo... của mình trong những năm qua. Tuy nhiên, cần thấy rằng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng, có dân số vàng, nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế, nếu không tranh thủ được nguồn lực quan trọng này, khi Việt Nam bước sang giai đoạn dân số già, các thách thức của kinh tế sẽ trở nên khó khăn hơn...”, ông John Hendra - điều phối viên của Chương trình Liên hợp quốc tại Việt Nam, đã nhấn mạnh tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ và đối tác phát triển của Việt Nam khai mạc vào sáng 7/12, tại Hà Nội.

Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) và các nhà tài trợ cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, năm 2010, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá nhanh và ổn định. Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Đại biểu các tổ chức quốc tế tại phiên khai mạc hội nghị sáng 7/12. Ảnh: Trần Việt-TTXVN


Năm 2009, bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng GDP là 5,3%. Và năm 2010, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng với mức 6,5 - 6,7%. Sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam không chỉ duy trì ở mức cao mà còn thể hiện khả năng tăng trưởng ổn định trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, các nhà tài trợ cũng cho rằng, bên cạnh thành tích tăng trưởng ấn tượng, kinh tế Việt Nam cũng đang nổi lên một số vấn đề khó khăn vĩ mô như tỉ lệ lạm phát cao, thâm hụt cán cân thương mại, dự trữ ngoại hối sụt giảm, chênh lệch lãi suất quốc gia cao so với các nước tăng trưởng nhanh ở khu vực châu Á...

Trước các khó khăn nổi lên, các nhà tài trợ đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam chuyển trọng tâm ưu tiên từ tăng trưởng sang ổn định kinh tế vĩ mô thông qua các biện pháp tăng lãi suất cơ bản (thêm 1%), tiếp tục hạ thấp tỉ giá thêm 5,5% và chấm dứt trương trình hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn.

Đối thoại với các nhà tài trợ về điều hành tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định, NHNN vẫn kiên trì thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt. Trong ngắn hạn, vẫn tiếp tục duy trì biện pháp siết chặt để đối phó với tình trạng lạm phát. Vấn đề mất giá của VND là do tình trạng nhập siêu và cơ cấu kinh tế vẫn còn yếu, thiếu sức cạnh tranh. Về cải cách hệ thống ngân hàng, Thống đốc Giàu cho biết: Đối với các ngân hàng thuộc Nhà nước quản lý sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa trong thời gian tới. Đối với các ngân hàng TMCP sẽ theo dõi sát sao, hỗ trợ để đảm bảo khối ngân hàng này phát triển bền vững.

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển tập trung thảo luận về các chủ đề: Việt Nam với vị trí là nước có thu nhập trung bình - cơ hội và thách thức; các ưu tiên cho phát triển bền vững; bảo đảm an sinh xã hội và tương lai của quan hệ đối tác phát triển. Theo đó, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình hình và định hướng ổn định kinh tế vĩ mô; vấn đề quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế nhà nước; phòng chống tham nhũng; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; các ưu tiên cho phát triển bền vững, nhất là bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội; nâng cao hiệu quả viện trợ; quan hệ đối tác phát triển khi Việt Nam bước vào nước có thu nhập trung bình...


Thông báo về tình hình nợ công, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định, hiện tỉ lệ nợ công, nợ của Chính phủ Việt Nam vẫn ở mức an toàn. Chính sách tài khóa vừa được Quốc hội thông qua cho năm 2011 với mức bội chi ngân sách là 5,3%, thấp hơn năm 2009, Bộ Tài chính sẽ nỗ lực để giảm bội chi thấp hơn với chỉ tiêu của Quốc hội. Về các chính sách tài khóa khác, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cắt giảm thuế xuất nhập khẩu, miễn giảm thuế nông nghiệp, mở rộng đối tượng thu cho ngân sách nhà nước và cải cách thủ tục thuế, hải quan, tạo điều kiện thông thoáng trong thương mại. “Bộ Tài chính cam kết, quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng vốn vay, vốn tài trợ và các nguồn lực trong nước để phát triển”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

Giải thích quan ngại của các nhà tài trợ đối với việc gần đây Chính phủ ban hành chính sách kiểm soát giá cả một số mặt hàng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, sở dĩ phải kiểm soát một số mặt hàng thiết yếu như sữa, thuốc chữa bệnh... là do giá các mặt hàng này tăng quá cao, hàng trăm % so với các nước trong khu vực. Ở đây có sự thiếu minh bạch giữa các nhà nhập khẩu và bán hàng, đặc biệt là các nhà nhập khẩu nước ngoài. Minh chứng cho hiện tượng này là các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chiếm tỉ trọng 31% nhưng nộp ngân sách chỉ 11%. Trong khi đó, khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam cũng có tỉ trọng 33% nhưng khoản nộp ngân sách là 35%. “Trong một thị trường chưa hoàn chỉnh cả thể chế và luật pháp thì việc kiểm soát giá một số mặt hàng thiết yếu tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, ổn định. Tuy nhiên, việc kiểm soát giá của Việt Nam không có nghĩa bất chấp quy luật thị trường, mà chỉ kiểm soát đối với các mặt hàng bị đầu cơ, khai khống giá...”, Bộ trưởng Phúc nói.

Ngày 8/12, Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ và đối tác của Việt Nam sẽ tiếp tục phiên thứ hai đối thoại về các vấn đề kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Xuân Hương - Nguyễn Thị Sự

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN