Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 19

Trong hai ngày 26 và 27/4, tại thủ đô Banđa Xêri Bêgaoan của Brunây đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 19 (AEMM-19), với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN, Liên minh châu Âu (EU), và Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.

Các nước EU khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ASEAN trong nhiều lĩnh vực và sẽ sớm tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), thể hiện cam kết mạnh mẽ của EU đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á. EU ủng hộ vai trò của ASEAN ở khu vực và cam kết hỗ trợ ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng vào năm 2015, tăng cường liên kết khu vực và hợp tác với ASEAN triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối, thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, an ninh năng lượng và lương thực. EU sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán các Hiệp định Thương mại Tự do với các nước ASEAN nhằm làm cơ sở cho một Hiệp định Thương mại giữa hai khu vực.

Các bộ trưởng đã thông qua Kế hoạch hành động ASEAN-EU giai đoạn 2013-2017, tập trung nguồn lực và ưu tiên hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách, hợp tác kinh tế thương mại, ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh biển, chống tội phạm xuyên quốc gia… Nhân dịp này, EU công bố khoản 20 triệu euro bổ sung hỗ trợ quá trình hội nhập và liên kết ASEAN.

Tại hội nghị, các bộ trưởng cũng đã trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề thế giới và khu vực cùng quan tâm như tình hình Trung Đông và Bắc Phi, Bán đảo Triều Tiên và khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Các bộ trưởng chia sẻ mối quan tâm và nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh hàng hải, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong thời gian tới ASEAN và EU cần tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường hợp tác trên cơ sở thực hiện Kế hoạch Hành động giai đoạn 2013 - 2017 theo hướng ngày càng hiệu quả và toàn diện, về cả kinh tế - thương mại, chính trị - an ninh, văn hóa - xã hội. Bộ trưởng cũng đề nghị các nước EU tăng cường hợp tác với ASEAN trong xây dựng cộng đồng, thu hẹp khoảng cách, khoa học công nghệ, giáo dục, du lịch, ứng phó với các thách thức về an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, an ninh nguồn nước ở Tiểu vùng Mê Công, an ninh năng lượng, an ninh biển… Ngoài ra, Bộ trưởng cũng mong muốn EU chia sẻ kinh nghiệm với ASEAN và khuyến khích doanh nghiệp tham gia và đầu tư trong thực hiện Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN về phát triển hạ tầng cơ sở giao thông...

Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh ASEAN và EU cần tiếp tục tích cực triển khai Chương trình Công tác ASEAN-EU về Thương mại và Đầu tư, cũng như thúc đẩy các đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương giữa EU và các nước ASEAN, để duy trì đà tăng trưởng về thương mại và đầu tư giữa hai khu vực, đồng thời hợp tác cùng vượt qua khó khăn và hậu quả của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị các bên đối thoại của ASEAN tăng cường hợp tác và đóng góp xây dựng vào nỗ lực chung của ASEAN thúc đẩy hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực. Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ở khu vực vì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng cho biết Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho việc đảm nhận vai trò điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-EU vào tháng 7/2012, khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực và hợp tác chặt chẽ cùng các nước để thúc đẩy và nâng quan hệ và hợp tác giữa ASEAN và EU lên tầm cao mới.

TTG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN