Liên quan đến tin đồn về BIDV:

Hồi chuông cảnh tỉnh về những tin đồn thất thiệt

Mặc dù thị trường tiền tệ, vàng và chứng khoán đã dần trở lại ổn định ngay trong sáng 22/2, nhưng những hệ lụy của tin đồn thất thiệt Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư Phát triển VN (BIDV) Trần Bắc Hà bị bắt chiều ngày 21/2 với những chao đảo, thậm chí hoảng loạn của thị trường đã một lần nữa cho thấy hậu quả khôn lường của tin đồn.

Điều đáng nói là chỉ với một tin đồn “không đâu vào đâu” mà TTCK mất 1,6 tỷ USD (theo đánh giá các các chuyên gia tài chính) - một con số quá lớn so với quy mô vẫn còn nhỏ bé của thị trường Việt Nam. Nghiêm trọng hơn nữa khi sự bất ổn định này có thể sẽ làm mất uy tín đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngày 22/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức tuyên bố sẽ phối hợp với Bộ Công an để làm rõ nguồn gốc tin đồn liên quan tới BIDV để có biện pháp xử lý thích hợp. Việc xác định những tin đồn thất thiệt, tin đồn lũng đoạn thị trường cần được xử lý nhanh chóng để tránh những tổn thất không đáng có.


Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư Phát triển VN (BIDV) Trần Bắc Hà. Ảnh: Internet.



* Những cú sốc từ tin đồn


Ảnh hưởng nặng nề nhất của cú sốc tin đồn trên là TTCK. Chỉ trong 30 phút cuối phiên giao dịch ngày 21/2, hàng loạt lệnh bán khủng ồ ạt tung ra nhấn chìm thị trường, bất chấp mọi lực đỡ sàn, bắt đáy. Hàng loạt cổ phiếu tốt - xấu nhanh chóng giảm sàn, như PVX, PVF, REE, SCR, VND, KLS, BVS… Nhiều mã trên sàn chứng khoán Hà Nội nhanh chóng chuyển từ trạng thái tăng trần sang “sàn” với biên độ giao động lên tới 20% (biên độ mới +/-10% áp dụng từ 15/1). Nhà đầu tư đồng loạt tháo chạy khiến VN-Index giảm hơn 18 điểm, xuống 476 điểm, trong khi HNX-Index giảm 5,3% (HNX30-Index đo lường 30 cổ phiếu lớn có thanh khoản cao nhất thị trường thậm chí giảm 7,23% - mức giảm mạnh nhất trong lịch sử kể từ khi HNX30-Index ra đời).

Đi tìm nguyên nhân các nhà đầu tư bán tháo mạnh, có thể thấy dự báo về CPI và dự báo tăng giá xăng không phải là nguyên nhân chính cho hành động bán tháo bất ngờ của nhà đầu tư bởi lẽ hai nguyên nhân này đã được dự báo trước nên mức độ tác động là không lớn. Vì vậy, nguyên nhân được cho là yếu tố tác động mạnh nhất chỉ có thể là từ tin đồn Chủ tịch BIDV bị bắt.

Cùng với thị trường chứng khoán, thị trường vàng và ngoại tệ cũng chịu ảnh hưởng của tin đồn thất thiệt trên. Tỷ giá đô la Mỹ ngày 21/2 đã bất ngờ tăng vọt vượt mốc 21.000 đồng/USD, giá vàng trong nước đã bật tăng trở lại sau những ngày giảm khá mạnh, nhà đầu tư đổ xô đi mua vàng miếng khiến khoảng cách giữa giá vàng trong nước với thế giới được nới rộng đến trên 5 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp khẳng định tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định và sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường ngoại tệ, tỷ giá đô la Mỹ và đồng Việt Nam đã hạ nhiệt, giá vàng trong nước không còn chao đảo mạnh. Giá vàng trong nước ngày 22/2 không có biến động nhiều, được điều chỉnh tăng theo đà của giá vàng thế giới. Tỷ giá đô la Mỹ sau khi giảm mạnh lúc đầu giờ sáng 22/2, đã quay đầu tăng trở lại 20 - 30 đồng tại một số ngân hàng. Tuy nhiên mức tăng này vẫn thấp so với giá bán kịch trần (21.036 đồng/USD) của ngày 21/2.

* Cần thận trọng và tỉnh táo

Có thể thấy, một điểm chung trong các phi vụ đưa thông tin thất thiệt là tin đồn thường nhắm tới những doanh nhân đứng đầu tại các doanh nghiệp, tổ chức lớn có ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường. Trong trường hợp tin đồn thất thiệt BIDV nói trên, những người tung tin đã đánh trúng vào tâm lý "bầy đàn", tâm lý dễ bị tổn thương sau hai vụ "bầu" Kiên và gia đình ông Đặng Văn Thành xảy ra trước đó.

Ngay vài giờ sau khi tin đồn xuất hiện, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đã bác bỏ tin đồn ông bị bắt. “Đây là tin đồn thất thiệt có dụng ý xấu, do một cá nhân, nhóm đầu cơ nào đó tung ra để kiếm lợi” - ông Hà nói. Theo đánh giá của ông Trần Bắc Hà, những kẻ tung tin đồn trong vụ việc này có lẽ đã kiếm được ít nhất 500 - 700 tỷ đồng từ các TTCK, vàng và tỷ giá vốn diễn biến khá bất thường trong 3 ngày qua. Tin đồn ra, giá cổ phiếu giảm đồng loạt nhưng giao dịch lại tăng mạnh.

Cũng với lập luận đây là hành vi trục lợi, ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích - Công ty cổ phần Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), cho biết: việc cổ phiếu bị bán sàn hàng loạt ngày 21/2 cần phải nhìn ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, tin đồn bắt nguồn từ đâu và ai là người mua ngày 21/2. Ông Bình chỉ rõ, mặc dù HNX-Index giảm hơn 5%, VN-Index giảm hơn 18 điểm, song lượng mua cổ phiếu giá sàn không phải là nhỏ. Khối lượng giao dịch sàn Hà Nội đạt trên 130 triệu cổ phiếu, sàn HoSE trên 120 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch 2 sàn vượt 2.600 tỷ đồng. Thị trường tháo chạy ồ ạt nhưng vẫn còn một nhóm nhà đầu tư gom mua giá sàn.

Ông Huỳnh Anh Tuấn Tổng - Giám đốc Công ty chứng khoán SJC, cho rằng có một nhóm nhà đầu tư biết được điểm yếu của thị trường đã lên kế hoạch và hành động. "Hiện biên độ biến động giá chứng khoán đã được nới rộng, do vậy thiệt hại càng tăng cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ nếu hành động theo hướng chạy theo đám đông. Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc tìm ra đối tượng tung tin đồn, tránh để tình trạng lặp lại gây ảnh hưởng xấu đến thị trường” - ông Tuấn đề nghị.

Không chỉ ông Hà, nhiều chuyên gia và nhà đầu chứng khoán khác cũng tỏ ra bức xúc, lên ánh mạnh mẽ và yêu cầu làm rõ phiên giao dịch ngày 21/2/2013 bởi đây là thời điểm TTCK cần khôi phục niềm tin từ giới đầu tư trong và ngoài nước để hút vốn vực dậy nền kinh tế.

Điều đáng nói là chỉ với 1 tin đồn “không đâu vào đâu” mà TTCK mất 1,6 tỷ USD - một con số quá lớn so với quy mô vẫn còn nhỏ bé của thị trường Việt Nam. Sự bất ổn định này có thể sẽ làm mất uy tín đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ mất hàng trăm triệu cho tới vài tỷ đồng chỉ riêng trong phiên 21/2. Việc xác định những tin đồn thất thiệt, tin đồn lũng đoạn thị trường cần được xử lý nhanh chóng. Các cơ quan chức năng có thể tạm ngừng giao dịch và phát đi những thông báo chính thức để tránh những tổn thất không đáng có.

Hiện NHNN đang phối hợp với Bộ Công an để làm rõ nguồn gốc tin đồn liên quan tới Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) xuất hiện trong ngày 21/2 để có biện pháp xử lý thích hợp. NHNN cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh trái phép trên thị trường ngoại tệ tự do. NHNN cũng khẳng định, tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định và sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường ngoại tệ trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, định hướng điều hành chính sách tiền tệ, diễn biến cung cầu trên thị trường ngoại tệ và các yếu tố liên quan, đồng thời khuyến cáo người dân và doanh nghiệp cần thận trọng và tỉnh táo trước các tin đồn thất thiệt để tránh những thiệt hại không đáng có.


Quốc Huy - Đỗ Huyền
Bộ Công an điều tra vụ tin đồn lãnh đạo BIDV bị bắt
Bộ Công an điều tra vụ tin đồn lãnh đạo BIDV bị bắt

Xung quanh thông tin lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt, Trung tướng Nguyễn Danh Cộng, Chánh Văn phòng - người phát ngôn của Bộ Công an cho biết Bộ đang tập trung điều tra, làm rõ thủ phạm tung tin đồn thất thiệt này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN