Hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, sáng 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.

Theo Tờ trình của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành Luật thi hành án dân sự đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Kết quả thi hành án có tăng lên so với trước khi có Luật nhưng chưa thật bền vững; năm 2013 đạt thấp hơn so với năm 2012 và chưa hoàn thành chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Lượng án tồn đọng tuy có giảm nhưng số việc và tiền chuyển kỳ sau vẫn còn rất lớn và có xu hướng tăng lên. Năm 2013 còn tồn 239.144 việc và trên 41.597 đồng, tăng so với năm 2012.

Việc tổ chức thi hành án trong nhiều vụ việc còn chưa kịp thời, gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có những trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, thiếu khả thi nhưng việc trả lời của Tòa án đối với yêu cầu của cơ quan thi hành án về giải thích bản án còn chậm, nhiều trường hợp dẫn đến khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài...

Qua thảo luận, các ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự nhằm hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản, bền vững, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, góp phần bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013. Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Dự thảo Luật dự kiến bổ sung mới 11 điều, sửa đổi 65/183 điều và bãi bỏ 04/183 điều so với Luật hiện hành. Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần tập trung sửa đổi các quy định không phù hợp với thực tiễn, khó triển khai thực hiện; xác định rõ quyền, nghĩa vụ của đương sự; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan. Việc sửa đổi cần chú trọng tới các quy định nhằm giải quyết vấn đề bức xúc hiện nay như: Việc xác minh, truy tìm tài sản thi hành án; cưỡng chế thi hành án; việc phân loại điều kiện thi hành án và điều kiện xét miễn, giảm thi hành án dân sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Dương Giang – TTXVN


Trên cơ sở ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo cần có sự rà soát kỹ lưỡng để xác định rõ phạm vi sửa đổi, bổ sung trên tinh thần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Kết luận số 92 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49, trong đó có nội dung liên quan đến quản lý công tác thi hành án theo hướng tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương trong công tác thi hành án.

Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật phải bảo đảm thống nhất, tương thích với hệ thống pháp luật, đặc biệt là các đạo luật liên quan trực tiếp đến hoạt động thi hành án dân dự như Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, các đạo luật về tố tụng...

Đối với nội dung xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự (khoản 9 Điều 1), Chính phủ đề nghị bổ sung một số quy định trong dự thảo Luật để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc xã hội hóa sâu, rộng hoạt động thi hành án dân sự theo hướng người được thi hành án, người phải thi hành án có thể yêu cầu tổ chức có thẩm quyền (ngoài cơ quan thi hành án dân sự) ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án.

Người có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật có thể được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự hoặc thực hiện một số công việc thi hành án theo ủy quyền của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự. Về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự là cần thiết. Tuy nhiên, hiện tại chế định Thừa phát lại vẫn đang trong thời gian tiếp tục thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội. Cuối năm 2015 sẽ tổng kết quá trình thí điểm Thừa phát lại, vì vậy đề nghị chưa quy định nội dung xã hội hóa như trong dự thảo Luật.

Thảo luận về trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án (khoản 23 Điều 1), nhiều ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ sửa đổi Luật theo hướng chuyển trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án từ người được thi hành án sang Chấp hành viên và miễn chi phí xác minh điều kiện thi hành án cho người được thi hành án. Việc làm này sẽ bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, tạo điều kiện cho việc xác minh điều kiện thi hành án được tiến hành thuận lợi hơn.


Quỳnh Hoa

Khai mạc phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Khai mạc phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 13 dự án luật, xem xét về công tác giám sát, chương trình xây dựng pháp luật và một số nghị quyết quan trọng khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN