Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

Hoàn thiện thể chế trong đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức

Tại phiên chất vấn chiều 4/11, trả lời đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) về việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hiện nay vẫn chưa thực chất, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

Thực chất công tác này trong những năm gần đây đã đạt được kết quả tích cực hơn. Tuy nhiên, việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức vẫn còn chưa sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm đầu ra và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Từ thực trạng trên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, trong thời gian tới, để đảm bảo đánh giá cán bộ công chức, viên chức được tốt hơn cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo đồng bộ, liên thông, xuyên suốt; cần tập trung hoàn thành xong việc xác định vị trí việc làm, khung năng lực để có cơ sở đánh giá công chức, viên chức; bộ quản lý ngành, lĩnh vực của địa phương cần căn cứ vào quy định chung để đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức của đơn vị mình.

Về vấn đề tinh giản biên chế tác động tới cải cách tiền lương được đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) đề cập, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, chúng ta đã giảm tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế để cải cách hệ thống tổ chức bộ máy, cải cách đội ngũ công chức, viên chức. Công tác này có tác động lớn, giúp tạo điều kiện nâng lương cho đội ngũ, tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn để tạo nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Giai đoạn vừa qua, mặc dù đã có sự nỗ lực vượt bậc trong việc tinh gọn bộ máy, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tuy nhiên, cũng có tình trạng cào bằng, giảm theo hướng cơ học ở một vài nơi. Công tác này sẽ còn được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới…

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Lê Hoàng Hải đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Lê Hoàng Hải (đoàn Đồng Nai) đặt câu hỏi về phương án giải quyết tình trạng nhiều cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước các lĩnh vực nhưng chưa được giao biên chế sự nghiệp nên quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc, nhất là đối với khối cơ quan thực hiện chức năng xử phạt vi phạm hành chính như Thanh tra giao thông, Thanh tra xây dựng… Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nội vụ cho biết thực trạng một số cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước nhưng lại giao biên chế viên chức đã tồn tại từ lâu, chủ yếu ở các đơn vị có khả năng tự chủ. Quá trình phối hợp giữa Bộ Nội vụ với các đơn vị chức năng của các bộ ngành như Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường chưa chặt chẽ.

Hiện toàn quốc còn khoảng 7.700 biên chế viên chức nhưng đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước; trong đó ở cấp Trung ương có hơn 2.000 người, địa phương hơn 5.000 người, chủ yếu rơi vào ngành nông nghiệp, kiểm lâm, kiểm ngư. Vì vậy, Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế xem xét, đánh giá cụ thể, để chuyển đổi biên chế từ viên chức sang công chức. "Chúng tôi xin tiếp thu và sẽ tham mưu sớm về vấn đề này", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Về vấn đề biên chế cấp phường ở một số địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tới đây, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo sơ kết 3 năm việc thực hiện chính quyền đô thị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến để sửa đổi số biên chế thuộc khối phường, lãnh đạo cấp ủy để trở thành biên chế cấp quận, đảm bảo công bằng hợp lý cho đội ngũ cấp phường.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã trả lời về việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp những năm qua đã làm cho nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên theo đúng định mức, vị trí việc làm, dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường, điểm lớp ở vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên và bố trí giáo viên không đúng việc làm.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng cho biết, thực chất việc giao biên chế viên chức hằng năm Bộ Nội vụ không có thẩm quyền, Bộ chỉ đề xuất tham mưu cho Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên đáp ứng theo yêu cầu có học sinh, phải có giáo viên. Tới đây, Bộ Nội vụ tiếp tục kiến nghị sửa đổi cho phù hợp hơn về nội dung này, đề nghị giao biên chế trên cơ sở định mức, các địa phương cần sắp xếp lại quy mô hệ thống trường lớp, giảm bớt các điểm trường lẻ để giảm đầu mối, giảm biên chế giáo viên…

Hải Ngọc (TTXVN)
Xem xét sửa đổi Nghị định 34 về chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã
Xem xét sửa đổi Nghị định 34 về chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 4/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiến hành chất vấn Nhóm vấn đề thứ 3 - lĩnh vực Nội vụ. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tham gia trả lời chất vấn trước Quốc hội trên cương vị người đứng đầu ngành Nội vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN