Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động Việt Nam

Trao đổi với phóng viên Báo Tin tức, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) đã cho biết: Chưa thể khẳng định được bao giờ phía Hàn Quốc mới đồng ý ký lại thỏa thuận tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (chương trình EPS).

 

Ông Quỳnh cho biết, Việt Nam đưa lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS từ cuối năm 2004. Cuối năm 2010 bắt đầu có những lao động đầu tiên hết hạn hợp đồng. Tuy nhiên, hết hạn hợp đồng nhiều lao động Việt Nam đã không về nước theo quy định và cam kết. Đến nay khoảng gần 50% số người hết hạn hợp đồng đã tự ý ở lại. Tỷ lệ đó cao hơn nhiều so với những nước khác có lao động làm việc ở Hàn Quốc.


Theo thỏa thuận này, cứ sau 2 năm, Việt Nam và Hàn Quốc lại ký gia hạn chương trình EPS một lần. Đáng lẽ, cuối tháng 8/2012, hai bên ký tiếp thỏa thuận. Nhưng vì lý do trên, nên phía bạn đã thông báo cho ta đề nghị tạm hoãn việc ký kết để hai bên cùng thực hiện các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng mà không về nước.


Lao động Việt Nam ở lại Hàn Quốc mỗi tháng có thể có thu nhập được hơn 1.000 USD, thậm chí 2.000 USD. Thu nhập cao là lý do khiến nhiều lao động quyết định không về nước dù đã hết hợp đồng.


´Như vậy, đến hết năm 2013, Hàn Quốc sẽ không tiếp nhận thêm lao động Việt Nam, thưa ông?


Hiện nay là tạm dừng tuyển đến hết năm 2012. Và cũng không biết phía Hàn Quốc sẽ dừng nhận lao động Việt Nam đến bao giờ.


´Liệu khi dừng theo đường chính thức, các đối tượng cò mồi có lợi dụng việc này để lừa đảo người lao động?


Nếu còn đưa được lao động đi thì các đối tượng đó mới lừa đảo được. Trước đây, cứ gửi 10 hồ sơ sang Hàn Quốc thì có 8 hồ sơ được nhận, cò mồi có nhiều “đất sống”. Người lao động đừng tin tưởng vào cò mồi để rồi lại mất tiền oan mà hãy theo dõi những thông tin chính thức từ phía các cơ quan chức năng.


´Hiện có hơn 11.000 lao động đã qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn đang chờ để được tiếp nhận sang Hàn Quốc. Vậy hai nước cần có giải pháp gì để tiếp tục triển khai chương trình EPS, thưa ông?


Chúng ta đã tổ chức nhiều buổi thông tin tuyên truyền tại Hàn Quốc để nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động, những rủi ro đối với lao động nếu họ tự ý ở lại quá thời hạn. Đồng thời, tích cực thông tin về các chính sách ưu tiên của Hàn Quốc đối với những lao động về nước đúng thời hạn.


Còn trong nước, gần đây, ngày 10/8, Bộ LĐ - TB&XH đã ký chương trình phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Trung ương Đoàn thực hiện các biện pháp tuyên truyền tư vấn, vận động người lao động trở về nước đúng hạn.


Đối với lao động từ Hàn Quốc trở về, chúng tôi đang phối hợp với Hàn Quốc tổ chức dạy nghề, hỗ trợ họ khởi sự doanh nghiệp, tổ chức hội chợ việc làm dành riêng cho đối tượng này.


Phía Hàn Quốc cũng có một số biện pháp khuyến khích lao động về nước đúng hạn. Thứ nhất, người lao động về nước đúng thời hạn sẽ được tham gia kiểm tra tiếng Hàn thường kỳ trên máy tính với quy trình thuận lợi, đơn giản. Người lao động cũng sẽ được giới thiệu tới những người có nhu cầu sử dụng lao động. Hiện nay, có trên 1.000 người dự thi tiếng Hàn đã đạt điều kiện, làm hồ sơ gửi đi. Trong số này, trên 500 người đã được tiếp nhận, số còn lại đang đợi.


Từ 1/7/2012, phía bạn cũng ra chính sách mới: Với những lao động được đánh giá là lao động trung thành (trong suốt thời gian làm việc, chỉ làm cho một chủ doanh nghiệp), về nước đúng thời hạn thì sẽ được sang Hàn Quốc mà không phải qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn.


´Thưa ông, phía Hàn Quốc đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng lao động bỏ trốn, nhưng tại sao tình trạng này vẫn chưa được giải quyết?


Chúng ta chưa có chế tài để ràng buộc trách nhiệm của người lao động. Đã có những cuộc thảo luận với phía Hàn Quốc một số biện pháp chế tài, trong đó có biện pháp ràng buộc về tài chính, nhưng phía Hàn Quốc vẫn chưa ủng hộ.


Cụ thể, phía Việt Nam đề xuất yêu cầu người lao động gửi lương vào một tài khoản và khi về nước mới được rút. Hay là chúng ta cũng đã thảo luận đưa ra các biện pháp ký quỹ bảo lãnh, thì phía bạn cũng chưa ủng hộ, bởi về mặt nguyên tắc, cách làm trên không phù hợp với chính sách của họ. Hơn nữa, họ cho rằng như thế sẽ làm tăng chi phí của lao động.


Biện pháp quan trọng lúc này là tiếp tục tuyên truyền vận động. Và công tác tuyên truyền không phải chỉ trên đài, báo mà xuống từng xã, đến từng gia đình. Các xã, các tổ chức đoàn thể cũng phải có trách nhiệm vận động, yêu cầu các gia đình vận động con em làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn.


Xin cảm ơn ông!


Mạnh Minh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN