Hầm Thủ Thiêm - niềm tự hào và kỳ vọng

Sáng 20/11, con đường rộng thênh thang từ ngã ba Cát Lái về đến huyện Bình Chánh dài hơn 21 km tràn ngập băng rôn, cờ phướn. Chưa bao giờ TP.HCM lại trở nên đẹp và lộng lẫy hơn thế. Sau bao năm chờ đợi, vượt qua nhiều thử thách, công trình thế kỷ xuyên qua trung tâm TP.HCM nối đôi bờ Đông - Tây đã hoàn thành.

Các phương tiện lưu thông qua hầm Thủ Thiêm phía quận 2. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Đặc biệt là trong lòng mỗi người dân thành phố (TP) đều hồ hởi chào đón một sự kiện trọng đại mà họ chờ đợi từ rất lâu - sự kiện thông xe hầm Thủ Thiêm qua lòng sông Sài Gòn. Đối với người dân TP mang tên Bác, hầm Thủ Thiêm là niềm tự hào rất lớn về một công trình hiện đại, quy mô, mang tầm cỡ khu vực. Một công trình vượt sông đầu tiên mà chưa có nước nào trong khu vực Đông Nam Á thực hiện được.

Ngay tại cửa hầm Thủ Thiêm phía quận 1, nơi tổ chức lễ cắt băng khánh thành, từ sáng sớm 20/11, không khí luôn rộn ràng và tấp nập. Đến đâu cũng bắt gặp không khí háo hức, ánh mắt rạng ngời chờ đợi sự kiện trọng đại. Đến trưa, hàng trăm người dân đã tiến về hầm Thủ Thiêm, đứng hai bên đường để chờ đón giây phút quan trọng.

Chở cả vợ con từ huyện Bình Chánh xuống quận 1 để xem hầm Thủ Thiêm, dù không được vào trong, nhưng anh Nguyễn Văn Bình vui sướng nói: “Là người dân TP, được chứng kiến khung cảnh hồ hởi như thế này, được chia sẻ niềm vui với mọi người cũng hạnh phúc rồi. Từ nay chạy qua quận 2 làm việc tôi không phải qua phà, rút ngắn được một nửa thời gian”.

Tham gia vào lễ thông xe hầm Thủ Thiêm ở khu vực đầu hầm quận 2, thiếu tướng Trần Thành Lập, Chính ủy Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác năm xưa, xúc động chia sẻ: “Cách đây 36 năm, các chiến sỹ của ta đã rất anh dũng kiên cường chiến đấu với địch ngay bên dòng sông này và để vượt được qua sông Sài Gòn, các chiến sỹ đã mất cả 30 phút với bao nguy hiểm rình rập. Lúc đó, chúng tôi chỉ mong hòa bình lập lại, có cuộc sống ấm no chứ cũng không nghĩ lại được đứng đây, chứng kiến cảnh khánh thành hầm Thủ Thiêm với quy mô hiện đại, ngoài sức tưởng tượng này. Chúng tôi hy vọng công trình này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của TP ngày càng phát triển văn minh, hiện đại”.

Dự án Đại lộ Đông - Tây và hầm dìm Thủ Thiêm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Trung ương và lãnh đạo TP về phát triển giao thông vận tải TP.HCM và phát huy vai trò giao thương giữa TP.HCM với các tỉnh. Tuyến đại lộ Đông - Tây giúp TP.HCM kết nối gần hơn với Tây Nam bộ và Đông Nam bộ. Theo đó, từ trung tâm TP đi Đại lộ Đông - Tây về các tỉnh miền Tây rút ngắn thời gian xe chạy khoảng 20 phút hoặc từ trung tâm TP đi các tỉnh miền Đông và ra biển Vũng Tàu qua Đại lộ Đông - Tây cũng sẽ nhanh hơn. Tuyến đường mới này còn góp phần giải tỏa áp lực cho cầu Sài Gòn đang quá tải. Phát biểu tại lễ thông hầm, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: “Đây là công trình quy mô lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao được hoàn thành tốt đẹp. Qua công trình này, hàng nghìn cán bộ, kỹ sư đã được đào tạo, tiếp cận kỹ thuật tiên tiến. Những kỹ sư đó sẽ là một nguồn nhân lực cho TP.HCM. Việc hoàn thành tuyến đường này góp phần phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm trở thành trung tâm tài chính - thương mại - dịch vụ lớn của khu vực. Công trình này cũng thể hiện ý chí, tình hữu nghị trong quan hệ giữa hai nước Việt - Nhật”.

Trong quá trình thực hiện dự án, khó khăn lớn nhất là giải quyết đền bù giải tỏa cho 6.744 hộ và 368 cơ quan, đơn vị nằm trong dự án. Có thể nói số lượng đền bù giải tỏa ở dự án này có quy mô lớn nhất TP. Điều quan trọng nhất là dự án đã cải thiện cuộc sống của hàng chục ngàn cư dân ven kênh rạch, khi được bố trí vào năm khu tái định cư của dự án và ở nhiều khu dân cư khác. Ông Nguyễn Văn Thành, ở phường 13, quận 5, cho biết: “Trước đây, ở khu vực này người dân sống rất cực khổ, chủ yếu trong các căn nhà lụp xụp dọc bờ kênh Tàu Hũ - Bến Nghé và hai bên đường Hàm Tử, Trần Văn Kiểu. Từ ngày tuyến đường Đại lộ Đông - Tây thi công và đưa vào sử dụng, bộ mặt hai bên đường đã thay đổi, khang trang và cùng với đó đời sống người dân cũng được cải thiện rất nhiều”.

Với thành tích xuất sắc trong việc quản lý và xây dựng Dự án Đại lộ Đông - Tây và hầm dìm Thủ Thiêm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM và Huân chương Lao động hạng Ba cho các cá nhân gồm: Ông Lương Minh Phúc - Trưởng ban và hai phó trưởng ban là ông Đào Xuân Ngọc và ông Vương Hoàng Thanh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã trao tặng bằng khen cho 13 tập thể và 14 cá nhân có thành tích xuất sắc, góp phần xây dựng dự án bảo đảm an toàn chất lượng.

6 giờ sáng nay (21/11) chính thức cho xe lưu thông qua hầm Thủ Thiêm

- 6 giờ ngày 21/11 sẽ mở hầm cho xe cơ giới lưu thông, dự báo mỗi ngày sẽ có khoảng 30.000 lượt ô tô và 50.000 lượt xe hai bánh qua hầm.
- Người đi bộ và phương tiện giao thông thô sơ (xe đạp, xe bò kéo); xe ba-bốn bánh tự chế; xe bánh xích; xe vận chuyển hàng độc hại, chất dễ cháy, chất nổ, hàng nguy hiểm; xe vận chuyển súc vật sống không đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường; xe cơ giới không dùng bộ phận giảm thanh hoặc có nhưng không đúng quy chuẩn kỹ thuật.

Ô tô có tổng tải trọng trên 30 tấn và các loại xe kéo rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc; ô tô (bao gồm cả hàng hóa) có chiều cao hơn 4,2 m hoặc chiều ngang hơn 2,5 m bị hạn chế lưu thông qua hầm.

Bốn nhóm xe được lưu thông qua hầm Thủ Thiêm Lưu thông 24/24 giờ

- Ô tô con - Xe khách. Từ 6 giờ - 21 giờ
- Mô tô và xe gắn máy. Từ 8 giờ -16 giờ và từ 20 giờ - 6 giờ
- Xe tải nhẹ (tải trọng dưới 2,5 tấn trở xuống hoặc có tổng tải trọng dưới 5 tấn).

Từ 24 giờ - 6 giờ - Xe tải nặng (tải trọng từ 2,5 tấn trở lên hoặc có tổng trọng tải từ 5 tấn trở lên).



Sĩ dũng - Hoàng Tuấn

Thông xe hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến Đại lộ Đông Tây
Thông xe hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến Đại lộ Đông Tây

Chiều 20/11, UBND TP Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức lễ thông xe hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến Đại lộ Đông - Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN