Hà Nội: Ưu tiên ngành công nghiệp nào?

Lựa chọn các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn (CNƯT - CNMN) để khuyến khích phát triển, tập trung nguồn vốn và nhân lực đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh là một trong những quyết sách đúng đắn của Chính phủ. Nhưng nhiều năm qua, kể từ khi Hà Nội ban hành Danh mục các ngành và sản phẩm CNƯT - CNMN giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 nhằm thực hiện quyết định của Chính phủ thì thành phố chưa có một hướng đi rõ ràng để phát triển CNƯT - CNMN.

Theo đánh giá của ông Phạm Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, các ngành CNƯT - CNMN của Hà Nội đã phát huy vai trò chủ đạo của mình trong sản xuất công nghiệp, đóng góp tỷ trọng lớn trong sản xuất toàn ngành.

Sản phẩm sữa của Công ty cồ phẩn sữa Hà Nội (Hanoimilk) vừa được UBND TP Hà Nội công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố năm 2010. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Ước trong năm 2010, các ngành CNƯT - CNMN của thành phố đạt 71.621 tỷ đồng, chiếm 68,5% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008 - 2010 của các ngành này đạt 15,8%, cao hơn mức tăng trưởng 11,34% toàn ngành công nghiệp. Hơn nữa, lao động ngành CNƯT - CNMN thời điểm hiện tại đạt gần 310.000 người, chiếm khoảng 50% lao động toàn ngành công nghiệp; trong đó có nhiều lao động đã qua đào tạo, lao động trình độ cao. Điều này cho thấy, CNƯT - CNMN đã góp phần chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tích cực, phát huy tốt các lợi thế so sánh và năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, đến nay, thành phố Hà Nội chưa có các giải pháp cụ thể cũng như các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành CNƯT - CNMN. Ông Dương Hồng Quân, Phòng Nghiên cứu Phát triển Công nghiệp - Viên Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, khẳng định: "Thực chất hơn hai năm qua, tăng trưởng của cả hai lĩnh vực này đều mang tính tự phát, chưa thấy được sự thể hiện của các giải pháp và chính sách giúp sức từ phía Nhà nước. Việc hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp vẫn yếu, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm và sức lan tỏa đối với các nhóm ngành liên quan khác. Có thể nhận xét rằng, định hướng phát triển CNƯT - CNMN của Hà Nội vẫn dàn trải, chưa tập trung giải quyết các khâu yếu".

Theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội: Thành phố có nhiều lợi thế vượt trội để phát triển ngành CNƯT - CNMN; vì vậy, để phát huy vai trò các ngành công nghiệp có thế mạnh của Thủ đô so với cả nước, thành phố cần bám sát một số định hướng có tính nguyên tắc. Đó là tiếp tục phát triển công nghiệp có chọn lọc, đột phá vào những ngành hàng, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao; vừa đáp ứng nhu cầu thay thế nhập khẩu vừa hướng về xuất khẩu. Một mặt, Hà Nội cần phát huy mọi nguồn lực trong nước kết hợp với nguồn lực bên ngoài, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển các ngành công nghiệp chủ lực.

Có một kinh nghiệm quý của Nhật Bản những năm 1960 trong phát triển CNƯT khiến ngành công nghiệp Nhật Bản có những bước phát triển "thần kỳ". Đó là tiêu chí "độ co dãn của cầu theo thu nhập", tức là sản xuất những mặt hàng mà cầu của nó sẽ tăng lên rất mạnh khi thu nhập của người tiêu dùng tăng và tiêu chí "tăng năng suất" tức là tập trung vào những ngành công nghiệp có tốc độ tăng năng suất cao. Áp dụng tại nước ta, cần xác định mục tiêu phát triển CNƯT - CNMN, ngành CNƯT của Việt Nam phải là những ngành có lợi thế so sánh động so với các nước láng giềng và hệ thống biện pháp chính sách hiệu quả.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Hồ Quốc Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Kim khí Thăng Long cho biết: Ông rất đồng tình với quan điểm phát triển ngành CNMN trước hết phải bắt đầu từ sản phẩm mũi nhọn. Để có được sản phẩm mũi nhọn trước hết phải có thị trường.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, để thúc đẩy các ngành CNƯT - CNMN của Hà Nội phát triển, trong thời gian tới, thành phố sẽ ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện để các ngành công nghiệp có điều kiện đầu tư, nâng cao năng lực cạnh canh, phát huy lợi thế so sánh là một trong những khu vực công nghiệp lớn của cả nước.

Các ngành và sản phẩm CNƯT - CNMN được TP Hà Nội lựa chọn để đầu tư phát triển là: Ngành cơ khí gồm sản phẩm ô tô tải, ô tô khách, trạm trộn bê tông, xe máy, hàng gia dụng, cửa nhựa nhôm... Ngành điện tử gốm sản phẩm máy tính, máy in, máy ảnh, động cơ điện, dây và cáp điện... Ngành hóa nhựa gồm sản phẩm nhựa công nghiệp, săm lốp ô tô, sơn tổng hợp... Ngành dệt may gồm màn tuyn, hàng may mặc, giày xuất khẩu... Ngành chế biến gồm bia, nước giải khát, sữa chua, sữa tươi... Đây là các sản phẩm nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về uy tín, thương hiệu.



Đinh Thị Thuận

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN