Hà Nội quyết liệt hơn trong chống tham nhũng

Ngày 19/2, tại hội nghị đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, công tác phòng chống tham nhũng trên địa bàn cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phải cụ thể ở từng cấp, từng ngành; trong công tác chỉ đạo không chỉ dừng lại ở văn bản, mà cần kiện toàn tổ chức, hoạt động của toàn bộ máy.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, tới đây Hà Nội chú trọng tới công tác làm trong sạch bộ máy công chức, viên chức Nhà nước; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra, điều tra để làm rõ các vụ việc. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền tiết kiệm, chống lãng phí cũng được chú trọng.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng thành phố Hà Nội, để ngăn ngừa vi phạm, thời gian qua Hà Nội đã đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Toàn thành phố đã tập huấn cho 500 báo cáo viên pháp luật; tổ chức khoảng hơn 280 lớp tập huấn, tuyên truyền về pháp luật phòng chống tham nhũng cho khoảng 20.000 lượt cán bộ, công chức và nhân dân; biên soạn hàng chục ngàn cuốn tài liệu để phục vụ công tác tuyên truyền.

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN


Hà Nội đã cố gắng hết sức để giảm chi tiêu, tiết kiệm cho ngân sách. Riêng năm 2012, thành phố đã tiết kiệm chi tiêu ngân sách trên 518 tỷ đồng, tiết kiệm quản lý vốn đầu tư xây dựng trên 32 tỷ đồng…

Hà Nội đã tiếp nhận và kết luận 14.439 vụ khiếu nại tố cáo, trong đó 375 đơn tố cáo hành vi tham nhũng; đã kiểm tra 946 đảng viên và 247 tổ chức đảng; giám sát trên 10.000 lượt tổ chức đảng cấp dưới và thi hành kỷ luật 1.294 tổ chức đảng cấp dưới; đã kiểm tra phát hiện sai phạm 718 tỷ đồng và trên 967ha đất. Về công tác phòng chống tham nhũng, từ năm 2011- 2013, Công an Hà Nội đã khởi tố, điều tra 65 vụ, 150 bị can phạm tội về tham nhũng…

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện công tác phòng chống tham nhũng; trong đó coi trọng giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, cũng như tăng cường công tác giám sát, thanh tra kiểm tra thường xuyên, đột xuất, liên tục.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hà Nội, hiện nay công tác này còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Vì vậy để làm tốt hơn thành phố kiến nghị với Trung ương cần sớm tổ chức sơ kết một năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương V (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí để đánh giá hiệu quả của mô hình mới sau khi sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Qua đây để các địa phương đúc kết các bài học, kinh nghiệm thực tiễn.

Cần có hướng mở rộng, xác định rõ chủ thể của nhóm tội phạm về tham nhũng, vì qua thực tế xét xử có bị cáo không phải là người có chức vụ, quyền hạn nhưng lại giữ vai trò chủ mưu, vạch ra kế hoạch vi phạm, phạm tội. Do vậy, không nên bó hẹp phạm vi chủ thể của nhóm tội phạm này là người có chức vụ quyền hạn.


Nguyễn Văn Cảnh

Chuyển biến trong phòng chống tham nhũng
Chuyển biến trong phòng chống tham nhũng

Công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua có bước chuyển biến vượt bậc so với những năm trước, song vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương xung quanh vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN