Hà Nội gặp mặt cựu chiến binh, thanh niên xung phong

Gặp mặt đại biểu cựu chiến binh, thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Pháp và đại biểu các gia đình chính sách.

Sáng 10/12, 360 đại biểu cựu chiến binh, thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Pháp và đại biểu các gia đình chính sách đã có buổi gặp mặt đầm ấm, xúc động, cùng nhau ôn lại những năm tháng gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược.

Buổi lễ do Thành uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2016). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội đã tham dự.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến để bảo vệ độc lập dân tộc, chống thực dân Pháp. Đúng 20 giờ 3 phút ngày 19/12/1946, tiếng súng từ pháo đài Láng phát ra báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu. Mặc dù, lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, chống lại kẻ địch tinh nhuệ được trang bị vũ khí hiện đại, nhưng đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đã chiến đấu anh dũng, giam chân kẻ thù suốt 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947), tạo điều kiện để Trung ương Đảng, Chính phủ rút về khu an toàn, góp phần cho cả nước chuẩn bị chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Thắng lợi của quân và dân ta trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến mà tiêu biểu là Thủ đô Hà Nội là sự cổ vũ rất lớn để quân và dân ta làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, viết thêm thiên anh hùng ca trong thời đại Hồ Chí Minh với kỳ tích chiến thắng vang dội “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” trong chiến tranh chống Mỹ, góp phần xứng đáng cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Phát biểu tại lễ gặp mặt, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Thủ đô Hà Nội sau 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến đã có những bước phát triển vượt bậc, đánh dấu vai trò của một trung tâm chính trị - kinh tế- văn hóa của của cả nước. Những tấm gương anh hùng của các liệt sỹ, thương bệnh binh, những cống hiến, đóng góp của các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, các gia đình chính sách, người có công sẽ không chỉ tiếp thêm tinh thần, ý chí, sức chiến đấu, lao động và học tập cho mỗi người dân Thủ đô mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đồng thời nhắc nhở, thôi thúc tuổi trẻ hôm nay nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ đô Hà Nội những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến “Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ”, nhân dân Thủ đô không quản ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù. Nhiều tấm gương cảm động về sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân dân Thủ đô những ngày đầu kháng chiến, tiêu biểu cho tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, bảo vệ Hà Nội mãi còn ghi dấu trong lòng người dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.

Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, tham gia Việt Minh hồi rất trẻ, từng bị thực dân Pháp bắt vào tù trước cách mạng tháng Tám. Sau cách mạng tháng Tám, ông là Trung đội trưởng Tự vệ chiến đấu cứu quốc thành phố Hà Nội. 

Ông kể rằng, đơn vị ông đã cùng lực lượng công an đấu tranh chống những cuộc phá hoại của bọn phản động Quốc dân Đảng và vinh dự được tham gia bảo vệ lễ đài ngày độc lập 2/9. Ông đã trực tiếp được nghe Bác Hồ đọc lời Tuyên ngôn độc lập và giơ tay thề. Trung tướng Phạm Hồng Cư bày tỏ: “Chúng tôi tự hào là thế hệ của một lời thề và cùng với toàn dân hoàn thành Lời thề Độc lập. Thế hệ trước là thế hệ tìm đường cứu nước và thế hệ ngày nay là thế hệ xây dựng, bảo vệ tổ quốc, còn thế hệ của Lời thề Độc lập là các cựu chiến binh, đại diện thanh niên xung phong có mặt tại đây. Chúng tôi đã cùng với toàn dân hoàn thành Lời thề Độc lập”.

Trong số các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong có mặt trong buổi lễ, nhiều người đã ở tuổi 80 – 90, sức khoẻ yếu nhưng vẫn tràn nhiệt huyết khi được sống lại những ngày tháng chiến đấu chống thực dân Pháp. Với họ, đó là thời gian ý nghĩa nhất khi được cống hiến sức lực, tuổi trẻ để bảo vệ Thủ đô, bảo vệ thành quả cách mạng. Không giấu được xúc động, ông Nguyễn Sỹ Lực, hội viên Hội cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào khi dân tộc Việt Nam đã làm nên kỳ tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp và cả chống Mỹ. Lúc bấy giờ, chúng tôi tham gia lực lượng bộ đội và thanh niên xung phong biết là khó khăn, gian khổ nhưng vẫn chấp nhận hy sinh để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Có được ngày hôm nay nhiều người đã đổ công sức, xương máu nên chúng ta càng phải trân trọng hoà bình và độc lập”.

Lễ gặp mặt đại biểu cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Pháp và đại biểu gia đình chính sách kết thúc trong sự lưu luyến của rất nhiều người. Nhưng hơn cả, đọng lại trong mỗi người là niềm tự hào về một quá khứ hào hùng để vững thêm niềm tin vào con đường phía trước.


Đinh Thuận – Kim Chung (TTXVN)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN