Hà Nội chỉ hạn chế xe máy khi vận tải công cộng đáp ứng 70% nhu cầu đi lại

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Đến năm 2030, nếu hệ thống vận tải công cộng đáp ứng 70% nhu cầu đi lại, mới cấm xe máy.

Ông Nguyễn Đức Chung trả lời những ý kiến của các cử tri quận Hoàn Kiếm.

Sáng ngày 24/7, tổ bầu cử số 2 Hội đồng nhân dân (HĐND) Hà Nội tại quận Hoàn Kiếm đã tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 4, HĐND khóa XV.


Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ quan điểm về việc đến năm 2030 cấm xe máy trong nội đô. Cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) cho rằng, đề án cấm xe máy vào năm 2030 khó khả thi, do hạ tầng giao thông xuống cấp, thiếu đồng bộ; phương tiện công cộng chưa đáp ứng nhu cầu, giờ cao điểm luôn quá tải. Đơn cử như dự án xe buýt nhanh BRT không nhanh hơn được bao nhiêu, lại chiếm 1/3 diện tích đường lưu thông. Đáng chú ý là mât độ dân số cơ học tăng cao do xây dựng nhiều tòa nhà chọc trời trong nội thành, kéo theo mật đô dân cư và phương tiện cá nhân gia tăng. Việc cấm này sẽ tác động lớn đến nhiều người dân có thu nhập trung bình và thấp.


Còn cử tri Nguyễn Văn Dũng (phường Hàng Đào) cho rằng, việc cấm xe máy trong khu vực nội đô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đại đa số người dân, do hạ tầng giao thông còn nhiều bất cấp, dự án đường sắt thi công đến nay vẫn chưa hoàn thành. Do đó, việc cấm xe máy trong nội đô cần có lộ trình cụ thể.


Giải đáp ý kiến của cử tri, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, đề án quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2030, vừa được HĐND thành phố thông qua, nêu rõ là hạn chế xe máy, chứ không cấm hẳn.


Từ nay đến 2030, thành phố Hà Nội xây dựng lộ trình xây dựng các tuyến metro (tàu điện) để nâng khả năng vận tải hành khách công cộng. Bên cạnh đó, thành phố cũng đầu tư mua thêm từ 1.000 đến 1.500 xe buýt, đồng thời phát triển nhiều loại hình xe buýt như xe buýt du lịch, mini buýt... Đến năm 2030, nếu hệ thống vận tải công cộng đáp ứng 70% nhu cầu đi lại, mới cấm cấm xe máy.


Riêng với tuyến metro, đầu tư sẽ rất tốn kém. Mới đây, thành phố đã chấp thuận cho 3 nhà đầu tư nước ngoài và 6 nhà đầu tư trong nước tham gia đầu tư các tuyến metro. Việc đầu tư tuyến metro sẽ theo hình thức PPP (hợp tác công tư), nhà nước đầu tư 53%, ty nhân 47%. Các dự án tuyến metro sẽ không vay vốn ODA như trước, bởi rất tốn kém, đầu tư kéo dài. 


Các điểm đỗ, bến đỗ xe hệ thống vận tải công cộng đáp ứng tiêu chí khoảng cách 250- 500m sẽ có một điểm đỗ tạo thuận tiện cho người dân mới tính đến cấm đỗ xe máy, đồng thời kết nối các điểm, bến đỗ là dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng. Thực tế, trong thời gian qua, việc cấm xe máy khu phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm cũng là mô hình thí điểm của thành phố, để các cơ quan chức năng quan sát, đánh giá việc cấm xe máy tại một khu vực sẽ tác động như thế nào, qua đó có chính sách phù hợp khi nhân rộng.


Xuân Cường/Báo Tin Tức
Hà Nội tính toán cấm xe máy, thu phí giờ cao điểm vào nội đô
Hà Nội tính toán cấm xe máy, thu phí giờ cao điểm vào nội đô

Trong thời gian qua, ùn tắc giao thông là điệp khúc được nhắc tới nhiều lần bởi hàng ngày người dân lưu thông vào giờ cao điểm trên một số tuyến phố Hà Nội đều phải đối mặt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN