Gương sáng giữa đại ngàn

Trong những năm qua, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc là nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước; là hạt nhân trong khối đại đoàn kết toàn dân.


Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đã có nhiều tấm gương tiêu biểu người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc được cộng đồng tôn vinh và cấp ủy chính quyền các cấp công nhận.


Tôn vinh người có uy tín


Ông Bùi Thanh Thu, Phó trưởng ban thường trực, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết: Đến nay, toàn vùng Tây Bắc đã bình xét được 28.508 người có uy tín. Họ là những người đủ các lứa tuổi, thành phần, dân tộc, trên nhiều cương vị công tác, lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội như người cao tuổi, trưởng bản, trưởng dòng họ, cán bộ công chức, đương chức, người nghỉ hưu, nhân sỹ, tri thức, nông dân, công nhân, các hội viên hội quần chúng, người tiêu biểu trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ và các doanh nhân...


Ngày 27/5/2013, tại thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ , Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc dự Hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu 5 tỉnh vùng Tây Bắc. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Tại các địa phương, Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp với các ngành liên quan, tổ chức gặp mặt, biểu dương, ghi nhận và tôn vinh người có uy tín; tổ chức các đoàn đại biểu người có uy tín đi tham quan, học tập những điển hình về phát triển kinh tế, xã hội trong và ngoài tỉnh, thăm các di tích lịch sử, về Thủ đô Hà Nội viếng lăng Bác Hồ và báo cáo thành tích với lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Định kỳ hai năm một lần, các tỉnh đều tổ chức Hội nghị biểu dương những già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực. Nhiều người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc đã được tham dự Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số toàn quốc tổ chức tháng 5/2010 tại Thủ đô Hà Nội. Mặc dù ngân sách của địa phương còn hạn hẹp, nhưng các tỉnh trong vùng đã có nhiều cố gắng thực hiện các qui định của Chính phủ, quan tâm và phát huy vai trò người có uy tín trong đời sống xã hội. Hầu hết những người có uy tín bình bầu từ cơ sở, UBND tỉnh ra quyết định công nhận đều được hưởng một số chế độ chính sách của Nhà nước theo quy định.

“Đảng, Nhà nước, các cấp từ Trung ương đến địa phương luôn quan tâm đặc biệt đến vùng cao, vùng dân tộc, vùng khó khăn, coi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng an ninh để tạo điều kiện cho bà con nhân dân các dân tộc ở vùng Tây Bắc nói riêng, nhân dân cả nước nói chung ổn định kinh tế, thoát nghèo là nhiệm vụ, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc diễn ra tại Cao Bằng.


Tuy nhiên, vẫn còn địa phương chưa thực sự phát huy được vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách cho người có uy tín còn chậm, nhận thức của các ban ngành, các cơ quan về vai trò người có uy tín chưa đầy đủ.


Những bông hoa ngát hương


Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư, giúp nhân dân nhận thức và hiểu rõ âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; vận động con cháu, gia đình, dòng họ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.


Tiêu biểu trên lĩnh vực này có ông Mông Ngọc Hưởng dân tộc Nùng, ông Dương Văn Giờ dân tộc Tày ở huyện Lục Yên (Yên Bái), ông Đặng Văn Xiền, ở Yên Sơn, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ)… Hay các ông Sùng A Lử, Sùng A Dê, Sùng A Xa ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã cung cấp thông tin quan trọng liên quan đến tội phạm ma túy đang có lệnh truy nã, góp phần thuyết phục 16/19 đối tượng vi phạm pháp luật ra đầu thú, trực tiếp tham gia giải quyết vụ việc phức tạp xảy ra ở cơ sở, tuyên truyền vận động nhân dân giao nộp 343 khẩu súng các loại, vận động 36 người đi cai nghiện. Cụ Vừ Chông Pao 81 tuổi, anh hùng LLVT, hiện là Phó Chủ tịch danh dự UBMTTQ tỉnh Nghệ An là tấm gương trong việc vận động nhân dân đấu tranh với các phần tử có quan hệ, trao đổi, mua bán hàng hóa với kẻ xấu và góp phần xây dựng đường biên giới hữu nghị Việt - Lào ổn định, phát triển.


Theo ông Bùi Thanh Thu, các đợt tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, những người có uy tín có nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời tham gia ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp. Nhiều người là cán bộ hưu trí, là các già làng, trưởng bản, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở, đảm nhiệm các chức vụ như Bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, trưởng ban công tác mặt trận và các đoàn thể; tổ hòa giải, tổ an ninh. Người có uy tín là hội viên mẫu mực của các tổ chức xã hội, tích cực vận động con cháu, dòng họ và mọi người tham gia các tổ chức đoàn thể, khuyến khích con, cháu phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thông qua việc xây dựng quy ước, hương ước trong thôn bản, tổ dân phố, người có uy tín đã động viên gia đình con cháu, dòng họ và người dân phát huy dân chủ, thực hiện quy chế tự quản, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư. Người có uy tín đã cùng với Ban thanh tra nhân dân, Ban công tác Mặt trận, thực hiện việc giám sát, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND các cấp, giúp đỡ những cán bộ dân cử hoàn thành nhiệm vụ.


Phát huy vai trò nòng cốt


Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đã thực sự là cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với cơ quan lãnh đạo các cấp, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày một vững mạnh. Ở Yên Bái có ông Sùng A Lu huyện Mù Cang Chải gương mẫu vận động các thành viên trong gia đình, dòng họ, đi đầu trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua tại địa phương; ông Vũ Quang Kích ở huyện Yên Bình, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, được Đảng cử, dân bầu giữ nhiều chức vụ trong cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong xã, ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tỉnh Thanh Hóa có ông Lầu Thanh Mai, ở huyện Mường Lát; ông Phạm Hồng Sơn, ông Thao Văn Dính, ở huyện Quan Hóa đã tích cực vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, vận động người dân hiến đất, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Ông Mùa A Lo ở huyện Quan Hóa.


Với tinh thần cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm trong cuộc sống, người có uy tín không chỉ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà còn động viên con cháu, mọi người trong bản làng, tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến độ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Người có uy tín luôn đi đầu trong việc tìm những biện pháp, cách làm, khai thác và phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học mới vào sản xuất; xóa bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình điển hình tốt, góp phần thúc đẩy phong trào xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và cộng đồng. Nhiều người có uy tín đã hiến hàng ngàn mét vuông đất, huy động được nhiều nguồn lực trong nhân dân, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để xây dựng nhà văn hóa, tu sửa trường học, khai hoang, cải tạo ruộng đất, phát triển trang trại sản xuất, kinh doanh dịch vụ đạt hiệu quả kinh tế cao.


Những năm qua, trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc tình trạng di cư tự do trong đồng bào các dân tộc thiểu số đã làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hóa, an ninh và trật tự an toàn xã hội của địa phương nơi đi, nơi đến. Các thế lực thù địch đã kích động, lôi kéo, dụ dỗ người dân di cư tự do đồng thời lợi dụng để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đoàn kết các dân tộc, gây phức tạp về an ninh, trật tự. Người uy tín đã coi việc tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục động viên những người nhẹ dạ không tin vào những lời xúi giục của kẻ xấu là nhiệm vụ của mình. Việc làm đó đã kịp thời ngăn chặn được nhiều hộ không di cư, vận động được nhiều hộ đã di cư trở về quê cũ làm ăn.


Để phát huy vai trò tích cực của đội ngũ người uy tín trong mọi lĩnh vực cuộc sống, mong rằng các tỉnh sẽ tiếp tục thống nhất cao nhận thức trong toàn xã hội về vai trò người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mật trận tổ quốc và các đoàn thể các cấp. Người uy tín tiêu biểu được biểu dương của các địa phương trong vùng Tây Bắc sẽ tiếp tục nêu cao vai trò nòng cốt của mình trên các mặt hoạt động của đời sống xã hội, nhất là tích cực vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.


Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN