Giảm nghèo nhanh và bền vững ở 62 huyện nghèo

Chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP (Nghị quyết 30a) của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo được tổ chức tại Hà Nội, ngày 16/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã nhấn mạnh: Giảm nghèo nhanh nhưng phải bảo đảm tính bền vững cả trong trước mắt và tương lai. Tại hội nghị, một trong những mục tiêu được nhấn mạnh là: Năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo của 62 huyện nghèo xuống ngang bằng mức trung bình của tỉnh, bình quân dưới 25% (theo chuẩn nghèo cũ) và dưới 35% theo chuẩn nghèo mới.

Quang cảnh hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước. Ảnh : Nguyễn Dân -TTXVN

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, với hiệu quả từ nguồn lực đầu tư của các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo hiện hành và các chính sách đặc thù, tỷ lệ hộ nghèo trung bình của 62 huyện nghèo đã giảm xuống còn 37% (giảm bình quân 5%/năm), đạt mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo trung bình của 62 huyện này xuống mức dưới 40% vào năm 2010 như Nghị quyết 30a đã đề ra. Thu nhập bình quân đầu người của các huyện tăng 2,5 lần, từ 2,5 triệu đồng/người/năm (năm 2006) lên 6 triệu đồng/người/năm (năm 2010). Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc theo Chỉ thị số 1752/CT-TTg ngày 21//9/2010 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 62 huyện nghèo khoảng 60% (chuẩn nghèo theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg), ước thực hiện đến cuối năm 2011 còn khoảng 55%, giảm được 5%/năm (Nghị quyết Quốc hội đề ra là giảm bình quân 4%/năm).

Có được kết quả đó là nhờ nỗ lực cao của các cấp, các ngành, địa phương. Trong điều kiện lạm phát, suy thoái, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn ưu tiên dành nguồn lực tập trung đầu tư cho các huyện nghèo. Tính chung trong 3 năm, tổng số vốn ngân sách trung ương bố trí hỗ trợ thực hiện chương trình là 8.535 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư là 6.493 tỷ đồng, chiếm hơn 80%; bình quân mỗi huyện được bố trí 130 tỷ đồng. Riêng năm 2011, trong điều kiện kinh tế đất nước khó khăn, Chính phủ vẫn ưu tiên bố trí 3.695 tỷ đồng cho các huyện nghèo, tăng 2 lần so với năm 2010. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình dự án khác, các chương trình sử dụng vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư của Trung ương trên địa bàn đã ưu tiên bố trí khoảng 22.000 tỷ đồng vốn cho 62 huyện nghèo; bình quân mỗi huyện nghèo được bố trí 118 tỷ đồng/huyện/năm từ các chương trình, dự án này. Đã có 40 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp cam kết hỗ trợ huyện nghèo với tổng số tiền 2.024,55 tỷ đồng trong giai đoạn 2009 - 2020.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Nghị quyết 30a ra đời là cụ thể hóa đường lối chủ trương của Đảng về xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt là đối với những huyện nghèo nhất. Đây là công việc phải làm thường xuyên, liên tục, kiên trì, vừa giải quyết các mục tiêu trước mắt, vừa giải quyết các vấn đề lâu dài. Nghị quyết đã đi vào cuộc sống là nhờ sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Trung ương Đảng, Nhà nước, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tập đoàn doanh nghiệp và đặc biệt là cộng đồng dân cư. Nhiều chính sách được triển khai tích cực và thực hiện có kết quả cao như chính sách đào tạo, nâng cao dân trí, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi… Nhiều nơi có cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, đó mới là kết quả bước đầu. Trong thực hiện cũng còn có khó khăn, tồn tại như: Chính sách nhiều, đầy đủ nhưng hướng dẫn của một số bộ, ngành còn chậm hoặc chưa đầy đủ, một số chính sách chưa rõ (như chính sách hỗ trợ nhà ở, khai hoang, hỗ trợ con giống cây trồng…); một số chính sách chưa phù hợp thực tế về mức (còn thấp) và diện được hỗ trợ (chưa đầy đủ); đào tạo nghề đã ổn định nhưng cần quan tâm nhiều hơn nữa về chất lượng, làm sao để đáp ứng được nhu cầu xã hội cũng như nhu cầu công việc trên địa bàn. Một số nơi phê duyệt đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đúng danh mục, mục đích. Việc lồng ghép các chương trình mục tiêu trên địa bàn chưa thật tốt. Công tác quy hoạch còn chậm, đặc biệt là quy hoạch cho sản xuất. Khó khăn chung của kinh tế dẫn đến khó khăn của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu cam kết.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Trong cân đối nguồn lực, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung, xóa đói giảm nghèo là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu được Chính phủ trình với Trung ương Đảng, Quốc hội. Đối với các huyện nghèo được tập trung nguồn lực cao hơn để đạt các mục tiêu đã đề ra. Phó Thủ tướng lưu ý cần quan tâm hơn nữa tới công tác quy hoạch, vì đến nay mới có 34 huyện được phê duyệt quy hoạch; phải coi quy hoạch sản xuất là gốc của vấn đề nếu muốn giảm nghèo nhanh và bền vững, trong đó quy hoạch dân cư phù hợp với điều kiện chung cả nước và từng địa phương; tìm những mô hình sản xuất tốt để nhân rộng, phát huy điểm mạnh của từng vùng, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực gắn với sản xuất ngành nghề trên địa bàn.

Phúc Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN