Sau 6 lần tổ chức, Giải thưởng ngày càng uy tín, ý nghĩa, thu hút sự quan tâm của độc giả trong và ngoài nước. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, bài bản, thể hiện tâm huyết, lòng yêu nghề của đội ngũ phóng viên, nhà báo trên toàn quốc...
Phong phú về số lượng và xuất sắc chất lượng
Đánh giá về các tác phẩm truyền hình đạt giải Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI, bà Tào Thị Thanh Xuân, Trưởng Ban truyền hình đối ngoại (VTV) cho biết, số lượng tác phẩm tăng hơn giải năm 2018 nhưng số tác phẩm của các tác giả Việt kiều và người nước ngoài giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các tác phẩm có nội dung phong phú, đề cập các vấn đề và sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước như: bảo vệ chủ quyền biển, đảo; việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA); khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế qua việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai; các thành tựu nổi bật của Việt Nam trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, thông tin sai sự thật, đấu tranh về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, tình cảm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam, tình cảm và đóng góp của kiều bào với quê hương, quảng bá về Việt Nam đất nước, con người. Đặc biệt, nhiều tác phẩm có chủ đề phong phú về cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam với nhiều hướng tiếp cận, phong phú về số lượng và xuất sắc về chất lượng chuyên môn.
Theo bà Tào Thị Thanh Xuân, năm nay, nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, có cách làm hiện đại, góc nhìn độc đáo, tính phát hiện cao, với chất lượng xuất sắc. “Có những tác phẩm có tính lan tỏa cao, nhận được nhiều chia sẻ, bình luận tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và khán giả nước ngoài, truyền tải thông điệp tích cực, mang đến nhiều cảm xúc. Đáng chú ý, các tác phẩm có nội dung về phòng chống dịch COVID-19 rất phong phú, đáp ứng tính thời điểm cao, xuất sắc về chuyên môn, thể hiện độ phản ứng nhanh, tay nghề cao của đội ngũ phóng viên đối ngoại, sự xông xáo hết mình để mang đến cho khán giả những hình ảnh đắt giá, chân thực và nhiều cảm xúc về cuộc chiến phòng chống dịch của Việt Nam”, Trưởng Ban truyền hình đối ngoại nhấn mạnh.
Bà Tào Thị Thanh Xuân cho rằng, các tác phẩm của các đài địa phương có chất lượng chuyên môn chưa cao, còn thiếu sự đầu tư về chuyên môn. Một số tác phẩm cách thức thể hiện và kết cấu kịch bản, xử lý lời bình, hình ảnh và âm thanh chưa tốt, cách làm của nhiều tác phẩm vẫn theo lối mòn, nội dung còn thiếu tính phát hiện, thiếu câu chuyện, nhân vật cụ thể. Chính điều này khiến cho các tác phẩm khó hấp dẫn với khán giả đối ngoại là kiều bào, người nước ngoài và cũng khó có thể tiếp cận được nhiều người xem trên các nền tảng internet như mạng xã hội, hay website.
Lăn xả, xông pha để đem lại thông tin chân thực
Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch COVID-19 đã trở thành nguồn đề tài đặc sắc, đa dạng và phong phú cho các tác phẩm. Với những cách tiếp cận khác nhau, các phóng viên đã xông pha vào những nơi “nóng” nhất của dịch COVID-19 để phản ánh lại tình hình, diễn biến dịch bệnh; ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng, những tâm tư, tình cảm của bác sỹ và bệnh nhân, đem lại những thông tin nóng hổi, giá trị tới bạn đọc.
“14 ngày cách ly theo dõi dịch COVID-19” của tác giả Lưu Trọng Đạt (Phóng viên TTXVN thường trú tại Hòa Bình) là phóng sự ảnh kể lại câu chuyện về quá trình cách ly của những đoàn công dân từ Hàn Quốc, Mỹ, Đức… trở về Việt Nam ở một doanh trại bộ đội thuộc tỉnh Hòa Bình. Để có được những hình ảnh chân thực, đầy tính nhân văn chuyển tới bạn đọc, phóng viên Lưu Trọng Đạt đã vào vùng cách ly với bộ đồ bảo hộ kín mít.
Anh Đạt nhớ lại: “Khi đó là 15 giờ 30 phút ngày 3/3/2020, tôi nhận được thông tin về một đoàn công dân từ Hàn Quốc được quân đội đưa về cách ly tại một doanh trại quân đội Hòa Bình. Tôi được giao nhiệm vụ thực hiện đưa tin trong đêm.
Công việc thực hiện cách ly các công dân từ nước ngoài về diễn ra theo một trình tự nghiêm ngặt và kỷ luật. Khu vực cách ly được giăng dây, đặt biển cảnh báo và chỉ những người có nhiệm vụ mới được ra vào trong những trang phục bảo hộ kín mít. Khoảng 3 rưỡi sáng, 3 chiếc xe 24 chỗ của quân đội đưa công dân về đến cổng doanh trại và được phun hóa chất khử trùng toàn bộ phía ngoài thân xe dù khi đó trời mưa rất lớn. Đoàn xe sau đó tiến vào sân của doanh trại.
“Trời mưa mỗi lúc một lớn hơn, đồ bảo hộ, giày của tôi bắt đầu thấm nước trong khi khẩu trang ướt đẫm và hơi thở bốc ra làm mờ mắt kính. Tôi được khuyến cáo nên chụp ảnh từ xa và giữ khoảng cách tối thiểu 2m với các công dân. Tôi thực hiện đúng chỉ dẫn này, mang máy gắn ống kính tele zoom, đứng từ xa chụp những công dân đeo khẩu trang cùng những ánh mắt mệt mỏi”, anh Đạt chia sẻ.
Các chiến sĩ, lực lượng y bác sĩ lấy thông tin và ân cần đo nhiệt độ cho từng công dân. Có những em bé chỉ hơn một tháng tuổi theo bố mẹ vào khu cách ly, có em chưa đầy bốn tháng tuổi được bố mẹ gửi về nước cùng những hành khách trên chuyến bay và được bà nội tình nguyện vào cách ly để chăm cháu
“Ngay lúc đó, tôi quyết định thay ống kính góc rộng, bước qua tấm biển cảnh báo và tiến sâu vào nơi các công dân đang tập trung, nơi mà các cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ đang trực tiếp ân cần hỏi han thông tin cá nhân và đưa từng công dân lên phòng nghỉ… Tôi tự nhủ cần phải “quên đi" những hiểm nguy của việc lây nhiễm bệnh dịch và hòa mình vào những diễn biến trước mắt, chụp thật gần những con người trước mặt bằng tất cả cảm xúc thật nhất, gần gũi nhất và trân trọng nhất”, phóng viên Lưu Trọng Đạt nhớ lại.
Trong 14 ngày cách ly, phóng viên Lưu Trọng Đạt đã được phép vào trong khu vực cách ly một lần để chụp ảnh công việc chuẩn bị bữa ăn cho công dân của các cán bộ, chiến sỹ. Anh Đạt chia sẻ, đây là quãng thời gian không thể quên, một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm phóng viên ảnh của mình.
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, sự phục hồi kỳ diệu của bệnh nhân số 91, phi công người Anh đã thể hiện hình ảnh một Việt Nam nhân văn, dốc sức cứu sống công dân không phân biệt quốc tịch. Là người theo dõi lĩnh vực y tế và xuyên suốt về bệnh nhân 91 từ lúc nhập viện cho đến khi chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy, phóng viên Mai Thị Phương (Bút danh: Đan Phương, Báo Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam) đã được lãnh đạo giao phụ trách thực hiện tuyến thông tin này.
Theo phóng viên Đan Phương, vào thời điểm đó, câu chuyện về phi công người Anh đã được các báo khai thác rất nhiều. Do đó, khó khăn nhất khi bắt đầu thực hiện đề tài này đó là phải làm sao chọn ra được những thông tin và góc nhìn mới hơn so với các đơn vị báo chí khác. “Có lẽ do vào thời điểm đó có quá nhiều báo đài đến gặp gỡ phỏng vấn nên khi tôi vừa bước vào cửa, điều dưỡng của khoa Nhiễm D đã từ chối ngay lập tức. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng nán lại thuyết phục, trò chuyện bằng cách đưa ra những thông tin mới nhất về tình hình sức khỏe của bệnh nhân 91 đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Dần dần, tôi cũng được các điều dưỡng ở đây mở lòng chia sẻ nhiều hơn và có thêm chi tiết mới cho bài viết”, chị Phương nhớ lại.
Ngoài liên hệ với những y bác sĩ khoa nhiễm là nơi đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân 91, phóng viên Đan Phương còn được lãnh đạo bệnh viện cho gặp gỡ những y bác sĩ ở khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn của bệnh viện, là nơi điều trị cho bệnh nhân 91 vào giai đoạn nặng nhất - hầu hết bác sĩ ở khoa này chưa được báo đài khác khai thác thông tin. Tuy nhiên, vì ê kíp này đang trong thời gian cách ly 14 ngày theo quy định nên phải đợi đến 5 ngày sau, phóng viên mới có thể thực hiện cuộc phỏng vấn.
Phóng viên Đan Phương chia sẻ: Để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn tiếp theo, ngoài cập nhật liên tục thông tin về sức khỏe bệnh nhân, tôi còn tìm hiểu thêm báo chí nước ngoài nói gì về ca bệnh, dư luận xã hội bàn tán như thế nào về ca bệnh này, qua đó tôi có thêm những thông tin để thực hiện cuộc phỏng vấn được tốt hơn. Nhờ vậy, tác phẩm “Cuộc chiến giành lại sự sống cho phi công người Anh” được thể hiện với nội dung xoay quanh những trải lòng của y bác sĩ ở bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh trong 65 ngày căng thẳng điều trị cho bệnh nhân phi công người Anh cũng như những ngày thức trắng đêm, những lần hội chẩn không mệt mỏi bất kể ngày đêm, hơn 2 tháng không được về nhà, mặc những bộ đồ bảo hộ nóng bức suốt 8 tiếng đồng hồ, nguy cơ lây nhiễm cao; tình cảm của y bác sĩ dành cho bệnh nhân… Tác phẩm đã được Ban Giám khảo đánh giá cao và đoạt giải Nhất Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI.
Vượt qua sợ hãi để truyền tải thông tin
Tác phẩm “Những người gác lại niềm vui, nỗi buồn vì tổ quốc” của nhà báo Cao Thùy Giang (Báo điện tử VietnamPlus, TTXVN) là các bài viết chân thực, xúc động từ những điểm nóng tâm dịch bệnh. Đó là những phản ánh, ghi chép về sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, các lực lượng tham gia phòng, chống dịch ngày đêm xuyên suốt nhiều tháng trời tại các địa phương trên cả nước.
Chia sẻ về quá trình tác nghiệp, nữ nhà báo cho biết, ngay từ tháng 2/2020, chị đã đi cùng đoàn công tác của Bộ Y tế vào vùng “tâm dịch” là Phòng Khám đa khoa Khu vực Quảng Hà (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) - nơi được tỉnh Vĩnh Phúc lập riêng như một bệnh viện để điều trị cho các bệnh nhân của tỉnh để có được những bài viết với chất liệu từ tuyến y tế cơ sở.
"Là một phóng viên y tế, thường xuyên hay phải vào những khu vực có bệnh truyền nhiễm để viết bài và lấy tư liệu, nên có những loại vắcxin gì có thể phòng được bệnh là tôi hay các phóng viên y tế khác rủ nhau tiêm phòng trước để ngăn ngừa. Nhưng khi đặt chân tới khu vực “tâm dịch” tâm lý tôi cũng lo sợ...", nhà báo Cao Thùy Giang chia sẻ.
Thế nhưng, nỗi sợ hãi đó đã bị đẩy lùi sau khi Giang được gặp và nghe những lời tâm sự tự đáy lòng đầy xúc động của những bệnh nhân mắc COVID-19 suốt thời gian họ điều trị đến khi khỏi được bệnh; dù khó khăn, tâm lý bất ổn nhưng họ vẫn vững tin dưới sự động viên của đội ngũ y bác sĩ. Điều đó càng thôi thúc nữ nhà báo cần có những bài viết chuyên sâu để mọi người có thể thấu hiểu được những khó khăn, những nỗ lực của y bác sĩ nơi tuyến cơ sở.
Tiếp đó, Giang đi thực tế vùng biên giới tại tỉnh Quảng Ninh có đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc. Những bài viết từ chuyến đi nơi vùng biên giới phên dậu của Tổ quốc có những người thì lội rừng đi chống dịch, xa vợ mới cưới, xa con mới sinh hay những cặp vợ chồng cùng ở trong bệnh viện nhưng cả tháng không gặp mặt nhau. Những nhân viên y tế, chiến sỹ biên phòng đã phải kìm nén nỗi đau mất người thân, không kịp về chịu tang mà phải “cắm chốt” hoàn thành nhiệm vụ; những chiến sỹ đã nằm rừng, canh lối mòn dọc tuyến biên giới, nhường doanh trại cho người dân cách ly, từ những ngày Tết mưa dầm, gió rét đến những ngày hè nắng như đổ lửa.
Theo Thùy Giang, trong những thời điểm nhất định, mình cần phải vượt qua nỗi sợ hãi, để thực hiện vai trò như một chiếc cầu nối làm sao để mọi người dân hiểu đúng về dịch bệnh này, thấu hiểu được những vất vả của y bác sĩ để hợp tác trong phòng chống dịch bệnh.
Tâm huyết và chuyên nghiệp
Chia sẻ về thành công khi được giải Nhất báo in tiếng nước ngoài, nhóm tác giả Chùm bài "Hãy cho hòa bình một cơ hội" ở báo VietnamNews (TTXVN) khẳng định: Đam mê công việc, yêu nghề và đề cao tinh thần là việc tập thể... là những yếu tố đem lại chất lượng cho một tác phẩm báo chí. Tác phẩm gồm những báo phản ánh sâu sắc, toàn diện về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên; cung cấp cho độc giả trong và ngoài nước những góc nhìn đa chiều, chân thực về mối quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ - Triều Tiên; đồng thời khẳng định năng lực của Việt Nam trong việc tổ chức, đảm bảo an toàn tuyệt đối khi tổ chức những sư kiện quốc tế lớn.
Là một nhà báo kỳ cựu người Anh, về đầu quân cho TTXVN được vài năm nhưng Paul Kennedy rất tâm đắc với môi trường làm việc tại Việt Nam. Theo nhà báo Paul Kennedy, nghề báo là công việc đặc thù, không thể sử dụng mãi một nguyên tắc cố định, mà cần có sự linh hoạt, nhạy bén và đặc biệt phải tâm huyết vì mục tiêu chung. Dù không phải là người trực tiếp cầm bút, nhưng Paul Kennedy lại có vai trò rất quan trọng khi là người lên ý tưởng, xây dựng kịch bản tác nghiệp, thiết kế hình ảnh cho tác phẩm. Anh đánh giá rất cao tính trách nhiệm, lòng nhiệt tình với công việc của các đồng nghiệp trong suốt quá trình tác nghiệp.
"Tôi rất xúc động khi thấy mọi người sẵn sàng đến tòa soạn sớm hơn mọi ngày và trở về nhà khi đã rất muộn, dù không ai yêu cầu. Đó chính là sự chuyên nghiệp rất cần thiết", Paul Kennedy nói.
Nói về cảm xúc khi chùm tác phẩm được đánh giá cao và đoạt giải thưởng, nhà báo Paul Kennedy cho biết điều này khiến anh rất bất ngờ và đã gọi điện ngay cho bố mình để "khoe". Tuy nhiên, Paul Kennedy tâm sự, điều khiến anh thực sự hạnh phúc và cảm động chính là khoảnh khắc một đại diện của hãng Thông tấn CNN (Mỹ) giơ cao trang bìa có in tác phẩm "Hãy cho hòa bình một cơ hội" trên báo Vietnamnews để giới thiệu với đồng nghiệp quốc tế trong một cuộc họp báo trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội.
Là một trong những tác giả tham gia nhiều công đoạn trong quá trình tác nghiệp, nhà báo Trần Thu Vân (báo VietnamNews) cho biết, có được kết quả như hôm nay là công sức và nỗ lực hết mình của cả tập thể. Theo chị Vân, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên là một sự kiện đặc biệt lớn của quốc tế, được cả thế giới quan tâm, theo dõi. Chính vì vậy, lịch làm việc của các nguyên thủ, lãnh đạo luôn có sự thay đổi, việc tiếp cận các vị chính khách để lấy thông tin là vô cùng khó khăn, cần những người có kinh nghiệm để xử lý, kết nối thật nhanh.
"Chúng tôi phải lên kế hoạch chi tiết từ rất lâu, phân công mỗi người một nhiệm vụ. Việc phải kiên trì chờ cả buổi để chỉ chụp một tấm hình là chuyện bình thường. Vì thế, trong những ngày đó, các thành viên đều xác định phải gác công việc gia đình sang một bên để dành toàn bộ thời gian cho công việc", nhà báo Trần Thu Vân chia sẻ.