Giải pháp bền vững

1. Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước.


Có thể nói, đây là một mũi tên trúng nhiều đích: Vừa tạo cơ hội cho đội ngũ trí thức trẻ có môi trường, điều kiện để rèn luyện, phát triển; vừa tạo nguồn cán bộ có đủ trình độ, năng lực cả về lý luận, thực tiễn và quản lý, tổ chức thực hiện cho đất nước. Đặc biệt, đây có thể coi là một giải pháp bền vững giúp các xã nghèo thoát nghèo và tạo sự ổn định từ cơ sở.

2.Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức ở các xã thuộc 62 huyện nghèo còn thấp. Điều đó dẫn đến hạn chế rất lớn trong công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành cũng như phương pháp vận động quần chúng.


Đặc biệt hạn chế rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Ngay cả khi có nguồn kinh phí từ các chương trình của Chính phủ thì hiệu quả kinh tế xã hội đem lại cũng không cao bởi thiếu người có trình độ trong tổ chức thực hiện, nhất là trong thời đại mà khoa học – công nghệ và thông tin có vai trò rất lớn, nếu không muốn nói là quyết định, như hiện nay.

3.Một điều dễ nhận thấy, những nghị quyết, chủ trương, chính sách, giải pháp… của Đảng và Nhà nước muốn đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào cấp cơ sở. Và, đội ngũ cán bộ cơ sở cũng là hình ảnh gần gũi nhất của Đảng và Nhà nước trong mắt người dân. Thực tế cũng cho thấy, những bức xúc của người dân, những vụ khiếu kiện kéo dài phần lớn bắt nguồn từ việc giải quyết, xử lý không đúng pháp luật, không thấu tình đạt lý của cán bộ cơ sở.

4.Vì vậy, nâng cao trình độ và năng lực cho đội ngũ cán bộ xã, nhất là các xã thuộc diện khó khăn vừa là yêu cầu cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài, bảo đảm cho sự phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội và chính trị. Do đó có thể nói, việc tăng cường trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước là một giải pháp mang tính cơ bản, là chìa khóa cho sự phát triển của các xã nghèo nói riêng và nông thôn nước ta nói chung.

5.Tuy nhiên đó mới là điều kiện “cần”; điều kiện “đủ” ở đây đòi hỏi sự nỗ lực, nhiệt tình, quyết tâm, trong sáng của đội ngũ cán bộ các xã được tăng cường cán bộ và nhất là của bản thân các trí thức trẻ. Bởi, với việc tăng cường trí thức trẻ cho các xã nghèo, vấn đề không phải là cần câu hay con cá mà họ phải là người tìm tòi và dạy cho đồng bào cách câu phù hợp với từng địa phương cụ thể.

Tuệ Duyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN