Bộ trưởng Y tế nói gì về việc bệnh nhân sốt xuất huyết ngồi vắt vẻo ở hành lang?

Ngoài việc yêu cầu Hà Nội tăng cường tập huấn, hỗ trợ điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới, trong cuộc họp khẩn cấp với thành phố Hà Nội chiều 17/8, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh tới việc bệnh nhân sốt xuất huyết vào viện ngồi vắt vẻo hành lang nói chuyện, tay đang truyền dịch thì chứng tỏ bệnh nhẹ và nếu bệnh nhân nào cũng cho vào viện sẽ gây quá tải không cần thiết.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: QD.

Cuối giờ chiều 17/8, Bộ Y tế đã họp khẩn với Sở Y tế Hà Nội để tiếp tục tìm cách ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, khiến Thủ đô đang đứng đầu cả nước về số ca tử vong và thứ 2 cả nước về số ca mắc. 


Dịch bệnh diễn biến khó lường


Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 90.626 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 (54.003/17) số mắc tăng 67,8%, số tử vong tăng 7 trường hợp.


Riêng Hà Nội đang đứng thứ 2 cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh) về số ca mắc; tính số mắc trên 100.000 dân thì Hà Nội đứng thứ 3 trong cả nước (sau Đà Nẵng và Bình Dương). Nhưng về số tử vong thì Hà Nội đang dẫn đầu.


Cụ thể, tính từ ngày 1/1 - 16/8, Hà Nội ghi nhận 17.027 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Các khu vực có số mắc cộng dồn cao là Đống Đa (2.922), Hoàng Mai (2.920), Hai Bà Trưng (1.564), Thanh Xuân (1.409)...


Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 3.440 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước, tuy có giảm 7 trường hợp mắc nhưng diễn biến dịch bệnh vẫn rất đáng lo ngại. Hàng năm số mắc ghi nhận rải rác từ đầu năm và thường bắt đầu gia tăng từ tháng 7, tháng 8, sau đó tăng mạnh trong tháng 9 và tháng 10, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 11.

Phân bố bệnh nhân theo tháng mắc từ 2009 - 2017

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho hay, Hà Nội tiến hành phân lại vùng dịch tễ căn cứ trên số ca mắc, tỷ lệ mắc trên 100.000 dân, mật độ muỗi, bọ gậy, phân lập virus… với 3 mức. Trong đó 12 quận đang ở mức cao - mức báo động đỏ, tập trung đến 90% bệnh nhân của toàn thành phố; 5 nơi ở mức da cam và số còn lại ở mức vàng.


Hà Nội cũng đã thành lập 26.038 đội xung kích tại 584/584 xã phường. Từ ngày 12 - 16/8, các đội xung kích đã kiểm tra được 1,34/1,83 triệu hộ dân (đạt tỷ lệ 73%), kiểm tra 2.754.108 dụng cụ chứa nước, xử lý 400.876 dụng cụ chứa nước có bọ gậy, thả hơn 40.539 con cá.


Ngoài ra, Thành phố đã tổ chức phun hóa chất diện rộng kết hợp với phun ULV đeo vai (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế hỗ trợ 20 máy phun ULV), phun trên xe ô tô với 20 xe. Đến nay, Thành phố Hà Nội đã tổ chức xử lý 2.112 ổ dịch; 90 chiến dịch phun hóa chất diện rộng và hơn 1.000 chiến dịch vệ sinh môi diệt bọ gậy. Tổng số lượt hộ được phun trong khu vực nguy cơ đạt 86%, số hộ không đồng ý phun là 5%, số hộ đi vắng là 9%.


"Đánh giá ban đầu, mật độ muỗi có giảm sau khi phun. Hơn 1.300 ổ dịch đã được khống chế, 80% các ổ dịch chỉ có 1-2 bệnh nhân, không có lan rộng từ một ổ dịch. Nhưng với thời tiết mưa nóng thất thường như hiện nay thì vẫn chưa thể dự báo trước được điều gì. Đội xung kích một số nơi làm chưa tốt, vẫn có nơi sử dụng người già. Hà Nội cố gắng hết sức vào 2 việc chính: diệt bọ gậy, phun hóa chất", ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết.


Chú trọng truyền thông, giám sát xử lý ổ dịch


Trước tình hình dịch diễn biến khó lường, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu ngành Y tế Hà Nội chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, giảm tình trạng quá tải, hạn chế thấp nhất tử vong do sốt xuất huyết.


“Bệnh nhân vào viện ngồi vắt vẻo hành lang nói chuyện, tay đang truyền dịch thì chứng tỏ bệnh nhẹ. Nếu bệnh nhân nào cũng cho vào viện thì vô cùng, gây quá tải không cần thiết, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.


Đồng thời Bộ trưởng cũng yêu cầu Hà Nội tăng cường tập huấn, hỗ trợ điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới, các trạm y tế trên địa bàn thành phố, chú trọng điều trị ngoại trú bệnh nhân sốt xuất huyết. Mặt khác, cần đẩy mạnh nữa công tác truyền thông, để người dân chủ động phòng chống dịch bệnh, loại bỏ các vật dụng có thể chứa nước đọng, diệt bọ gậy/loăng quăng, phòng chống muỗi đốt bằng các biện pháp cần thiết như xua muỗi bằng hương hoặc bôi kem xoa chống muỗi, ngủ màn, thường xuyên vệ sinh môi trường.


Ngoài phun thuốc chống muỗi tại các ổ dịch trọng điểm, Bộ trưởng Y tế yêu cầu Hà Nội nên lập bản đồ để chiến dịch phun đảm bảo đầy đủ và thuận tiện cho việc kiểm tra, rà soát, phun lần sau. Đội phun dịch cần có chuyên gia hướng dẫn, đảm bảo đầu phun, máy móc, kĩ thuật phun thuốc diệt muỗi phải chính xác.


Phương Liên/Báo Tin Tức
Tăng cường xử phạt các điểm phát sinh ổ dịch để khống chế bệnh sốt xuất huyết
Tăng cường xử phạt các điểm phát sinh ổ dịch để khống chế bệnh sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh đã đề nghị xử phạt 298 điểm để phát sinh ổ dịch, ổ lăng quăng nhưng mới chỉ có 111 quyết định xử phạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN