Đưa KHCN thành giải pháp đột phá phát triển kinh tế

Tọa đàm “Khát vọng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2045 góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XII của Đảng” đã diễn ra tại Hà Nội.


Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chủ trì tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Tọa đàm “Khát vọng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2045 góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XII của Đảng” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, nhằm chia sẻ suy nghĩ, quyết tâm của nhiều giới doanh nhân, khoa học, người quản lý, giới nghiên cứu góp ý cho văn kiện lần thứ XII của Đảng; tìm ra những giải pháp mới phát triển kinh tế mà trọng tâm ứng dụng khoa học công nghệ để khoa học công nghệ trở thành giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế.

* Bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế thị trường

Nhận định giai đoạn tới là giai đoạn phát triển mới về chất của đất nước ta, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu rõ: Công cuộc đổi mới và phát triển đất nước đang đứng trước một điểm ngoặt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến triển vọng phát triển của đất nước.

Do vậy, các nhận định, kết luận và luận điểm được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần này – cả từ góc độ tổng kết lẫn góc độ định hướng tương lai có tầm quan trọng chiến lược to lớn đối với vận mệnh đất nước trong thời điểm đang hội nhập phát triển vào một thế giới biến đổi nhanh, bất thường, khó dự đoán, đầy rủi ro và bất trắc.

Cho ý kiến về nội dung tổng kết 30 năm đổi mới của dự thảo văn kiện, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên nêu quan điểm: Tầm vóc và ý nghĩa của công cuộc 30 năm đổi mới cũng như ý nghĩa của bước ngoặt phát triển mà Việt Nam đang đón nhận cần phải được phân tích, đánh giá một cách có hệ thống, sâu sắc và cụ thể hơn.

Đối với phương hướng phát triển cho giai đoạn tới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên nhận định: Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế thị trường, vì vậy cần đề cao hơn vai trò của kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân, bởi kinh nghiệm thế giới cho thấy, muốn có một nền kinh tế lớn thì phải có những Tập đoàn tư nhân lớn.

Cùng ý kiến, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa dẫn chứng: Đ óng góp của doanh nghiệp tư nhân hiện chiếm tới 40% GDP so với 32% GDP của doanh nghiệp Nhà nước, vì vậy trong văn kiện cần chỉ rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân, khẳng định sự bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước.

Cần bỏ khái nhiệm doanh nghiệp ngoài nhà nước, vì mọi cống hiến, đóng góp của doanh nhân là vì đất nước, nhân dân, đồng thời vì vai trò của đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn trong xã hội, trong sự phát triển đất nước, vì vậy cần bổ sung lực lượng này vào liên minh khối đại đoàn kết dân tộc, thành liên minh công-nông-trí-doanh.

* Tìm giải pháp đột phá trong ứng dụng khoa học và công nghệ

Phân tích, đánh giá và tìm giải pháp đột phá trong ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện. Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trương Nam Hải, Chủ tịch Hội đồng ngành Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thách thức hiện nay của nước ta là làm thế nào thoát được “bẫy” của những quốc gia có thu nhập ở mức trung bình.

Nghĩa là phải chuyển từ một mô hình tăng trưởng theo số lượng nhờ vào xuất khẩu sang mô hình tăng trưởng chất lượng dựa vào nhu cầu nội địa, từ một nền kinh tế nặng về quản lý hành chính sang nền kinh tế thị trường. Mặt khác hiện nay đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam phải tuân thủ các luật chơi do cuộc hội nhập này đem lại. Nếu không biết cách lựa chọn thị trường khôn ngoan, Việt Nam sẽ chịu nhiều thua thiệt.

Giáo sư, Tiến sỹ Trương Nam Hải chỉ rõ: Việc xây dựng Chiến lược phát triển khoa học của Việt Nam đã được quan tâm nhưng cách thực hiện chưa thực sự hiệu quả, chưa xác định được đâu là đối tượng cần ưu tiên, đâu là thế mạnh để phát triển sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường trong cuộc cạnh tranh với thế giới trong quá trình hội nhập.

Vì vậy, cần xây dựng định hướng nghiên cứu khoa học - công nghệ phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng ngành, từng địa phương, với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của ngành và địa phương đó. Việc xây dựng chiến lược phát triển khoa học phù hợp sẽ giúp cho việc tập trung hiệu quả hơn các nguồn tiềm lực về vật chất và con người nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết của thực tiễn sản xuất.

Điều quan trọng trong việc xây dựng chiến lược đúng đắn là để chuyển giao khoa học công nghệ một cách hiệu quả cần chú ý những nội dung về kỹ thuật công nghệ và các nội dung về kinh tế và tổ chức, như: Tổ chức sản xuất, liên kết kinh tế, thông tin về thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Những nội dung này là điều kiện cần thiết để các thành tựu về khoa học công nghệ có thể phát huy đầy đủ hiệu quả trong thời gian tới.

Đặt vấn đề cần làm gì để có những đột phá trong ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ cho việc phát triển nền kinh tế của đất nước, ông Lê Hồng Khiêm, Viện Vật Lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh: Đây vấn đề rất lớn và để tìm ra lời giải, cần có sự đầu tư nhân lực một cách nghiêm túc.

Các cơ quan quản lý cần xây dựng các tiêu chí minh bạch và định lượng để đánh giá hiệu quả việc nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ của các cơ sở nghiên cứu và các trường đại học hưởng ngân sách nhà nước. Đây là giải pháp đầu tiên cần thực hiện.

Song song với đó, cần nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng đào tạo ở bậc đại học; có cơ chế đãi ngộ thích hợp cho các cán bộ nghiên cứu ứng dụng khoa học làm việc hiệu quả; t ăng kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ; phát triển thị trường khoa học công nghệ; tăng cường chất lượng các sở khoa học công nghệ và các trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ ở các địa phương…

* Tiếp tục lắng nghe những ý kiến tâm huyết

Phát biểu tại tọa đàm, Giáo sư Nguyễn Thiện nhấn mạnh: Yêu cầu chung của tọa đàm hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế, phát huy vai trò của khoa học công nghệ; làm rõ vòng phát triển hay suy thoái của các yếu tố: Nghiên cứu cơ bản - tiếp thu tri thức nước ngoài - nghiên cứu ứng dụng theo nhu cầu thực tiễn - chuyển chuyển giao công nghệ - ứng dụng doanh nghiệp - phát huy tác dụng với doanh nghiệp - nâng cao thu ngân sách…

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Năng lực, trí tuệ Việt Nam luôn tỏa sáng qua mọi thời kỳ, những thành tựu khoa học công nghệ mà các thế hệ nhà khoa học Việt Nam đã đạt được là rất quan trọng. Qua những trăn trở của các nhà khoa học, doanh nhân, cơ quan quản lý cho thấy khát vọng phát triển đất nước của mỗi người Việt Nam là vô cùng to lớn. Mọi sự sáng tạo, nghiên cứu đều với mong muốn đóng góp, cống hiến cho sự đi lên của đất nước.

Để phát triển phát triển khoa học công nghệ cần đổi mới về thể chế, có cơ chế đầu tư đúng mức để gắn kết các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ luôn lắng nghe, tập hợp những ý kiến tâm huyết để góp phần hoàn thiện dự thảo văn kiện, đáp ứng mong mỏi của giới khoa học, doanh nghiệp, nhân dân.

Thời gian tới, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức hai hội nghị lấy ý kiến góp ý của các nhà quản lý, doanh nhân, nhà khoa học vào dự thảo các văn kiện Đại hội XII về phát huy yếu tố văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam như một động lực phát triển đất nước; vấn đề dân chủ trong thời kỳ bùng nổ internet, giám sát và phản biện, phòng chống tham nhũng.

Phúc Hằng (TTXVN)
Tuổi trẻ Hải Phòng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết
Tuổi trẻ Hải Phòng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết

Ngày 14/10, Thành đoàn Hải Phòng tổ chức hội nghị cán bộ Đoàn chủ chốt đóng góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN