Đồng bào Tây Nguyên đã tỉnh táo trước 'tà đạo Hà Mòn'

Xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) được xem là “trọng địa” của cái gọi là “tà đạo Hà Mòn” với trên 160 người bị lôi kéo tham gia; đồng thời tại đây còn có hai đối tượng được xem là “cộm cán” gồm A Tách và A Hyum.

Từ trái qua phải: Các bị cáo Rưnh, A Hyum, A Tách, Y Gyin, Đinh Hrôn, Đinh Lứ, Byưk, Jơnh trong phiên xử ngày 28/5/2013. Ảnh: Quang Thái - TTXVN


Tại phiên tòa lưu động ngày 28/5, xét xử 8 bị cáo về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết” theo Điều 87 Bộ luật Hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt tổng cộng 63 năm tù đối với 8 bị cáo. Trong đó, hai đối tượng cầm đầu: A Tách, tên thường gọi là Bă Hlôl (sinh năm 1959), trú tại thôn 4, làng Kon Hrầm, xã Đăk Tơ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, 11 năm tù giam; A Hyum, tên thường gọi là Bã Kôl (sinh năm 1940), trú tại thôn 5, làng Kon Kơ Lơng, xã Đăk Tơ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, 8 năm tù giam. Còn Y Gyin (sinh năm 1942), trú tại làng Ktu Hơ Moong, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, 3 năm tù giam.

Mức án mà Tòa tuyên đối với các đối tượng này được nhân dân đồng thuận bởi thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Già làng A El (làng Kon Kơ Lơng) cho biết: A Hyum là kẻ cầm đầu và đã lôi kéo không ít người theo “tà đạo Hà Mòn”. Việc A Hyum bị bắt và đưa ra xét xử với mức án đã tuyên là đáng lắm. Già sẽ họp làng và thông báo cho dân làng biết để không nghe theo kẻ xấu.

Theo già làng A El, trước đây, già luôn phải vận động người dân không theo sự lôi kéo của A Hyum nhưng bà con chưa hiểu rõ nên đâu có ai chịu nghe. Ngay cả thông tin về A Hyum cùng A Tách ở làng bên bị bắt cũng không làm người dân ở đây từ bỏ việc tham gia “tà đạo Hà Mòn”. Sau đó, A Hyum và A Tách đã có lời thú tội với dân làng thông qua băng video nhưng những kẻ ngoan cố cho rằng đó là do cán bộ dựng lên, một số kẻ khác thì cho rằng cán bộ cho uống "thuốc lú" để A Hyum và A Tách thú tội. Do vậy, khi được tham dự phiên tòa, chứng kiến A Tách và A Hyum thú tội về “Đức mẹ hiện hình” là dối trá, nhiều người đã thức tỉnh trước trò lừa dối nhằm tuyên tuyền lôi kéo bà con, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc.

Trở về làng sau buổi xử án, chị Y Nhiếu (thôn 8) và Y Vân (thôn 4) cũng thừa nhận đang theo “tà đạo Hà Mòn” và hai chị đều hứa sẽ bỏ tà đạo này để chí thú làm ăn. Cả hai chị đều khẳng định, sẽ vận động người thân và người dân trong làng từ bỏ “tà đạo Hà Mòn”. Chị Y Nhiếu cho biết: “Sau khi dự phiên tòa, chị sẽ kể cho dân làng mình nghe những gì có thực xảy ra tại đây, đó là những lời thú tội của Y Gyin về việc “Đức mẹ hiện hình” là không có thực và lời thú tội của A Hyum và A Tách trước tòa án”.

Bày tỏ đồng tình với quyết định của Tòa, một người lớn tuổi trong làng Kon Hrầm cho biết: Mức án đối với A Tách và A Hyum là đúng người, đúng tội, hai đứa nó làm người dân trong làng khổ lắm, người thân không nhìn mặt nhau, anh em không nói chuyện với nhau, không khí trong làng rất nặng nề. Tòa xử để răn đe những người khác trong làng, để họ đừng theo “tà đạo Hà Mòn”, để mọi người trong làng lại vui vẻ với nhau...

Còn anh A Blut, trưởng thôn Đăk Kan, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô (Kon Tum) cho biết: Trong làng mình cũng có người theo “tà đạo Hà Mòn” và họ tin vào “Đức mẹ hiện hình” là có thật, giờ đây khi được tham dự phiên tòa, mình sẽ về tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân từ bỏ “tà đạo Hà Mòn”. Anh A Blut cho biết thêm, cách đây khoảng 1 tuần nhiều người dân theo "tà đạo Hà Mòn" đã ký giấy cam kết không theo tà đạo này nữa.

Trước đó, từ năm 2002, đối tượng Y Gyin đã tung tin đồn là có “Đức mẹ hiện hình ở Hà Mòn” (còn gọi là Đức mẹ Pluk) để tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia tụ tập cầu nguyện với mục đích là phản đối chủ trương của chính quyền tỉnh Kon Tum về việc di dời nơi ở của đồng bào dân tộc thiểu số đến nơi ở mới để xây dựng công trình thủy điện. Mặt khác, với mong muốn trở thành người “nổi tiếng”, Y Gyin bịa đặt ra việc “Đức mẹ hiện hình ở Hà Mòn” để lôi kéo nhiều người tham gia nhằm thành lập một tôn giáo riêng của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Y Gyin đã lựa chọn và lôi kéo một số người lớn tuổi và có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số (trong đó có A Hyum và A Tách) và lập ra Ban giúp việc. Từ năm 2002 đến khi bị bắt, Y Gyin cùng với Ban giúp việc đã sử dụng nhiều tài liệu gọi là “sứ điệp” đi tuyên truyền “Đức mẹ hiện ra ở Hà Mòn”, tổ chức tập huấn cho các “giáo phu” ở các tỉnh Kon Tum, Đắk Lăk, Gia Lai.

Từ năm 2008, A Tách, A Hyun và Y Gyin đã nhiều lần trực tiếp đến Gia Lai tuyên truyền về “Đức mẹ Pluk” và “nhà nước riêng” theo chỉ đạo của tổ chức FULRO lưu vong ở Mỹ. Để giữ bí mật, A Tách và A Hyum thống nhất là tất cả mọi chỉ đạo của bọn phản động FULRO lưu vong ở nước ngoài đối với các tỉnh Tây Nguyên đều phải thông qua mình. Chỉ có A Tách và A Hyum là người đứng đầu tổ chức và có trách nhiệm liên lạc ra nước ngoài cũng như nhận chỉ đạo từ nước ngoài về để trực tiếp chỉ đạo số đối tượng cầm đầu ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk.

Phiên tòa đã kết thúc, trước các chứng cứ thuyết phục không thể chối cãi, các đối tượng vi phạm đã thừa nhận và thú tội về những hành vi sai trái của mình. Với bản án thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, sẽ góp phần cảnh tỉnh những người còn mê muội, những người nhẹ dạ cả tin nghe theo kẻ xấu làm ảnh hưởng tới chính sách đoàn kết dân tộc.


Sỹ Thắng
63 năm tù cho nhóm đối tượng chống phá Nhà nước
63 năm tù cho nhóm đối tượng chống phá Nhà nước

Ngày 28/5, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa lưu động xét xử 8 bị cáo bị truy tố với tội danh “Phá hoại chính sách đoàn kết”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN