Đơn giản, minh bạch sẽ tránh tiêu cực trong quản lý thuế

Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến về 2 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; thảo luận Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

 

Thảo luận dự án Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

 

Báo cáo giải trình về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế nêu lên 5 nội dung đã được thống nhất tiếp thu bao gồm: Phạm vi sửa đổi, bổ sung luật; tính cụ thể của dự thảo luật; nghĩa vụ của người nộp thuế trong ứng dụng công nghệ thông tin; cách thức xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, xử phạt đối với hành vi khai sai. Sáu nội dung thống nhất giải trình bao gồm: Hồ sơ khai thuế; thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế; nguyên tắc ấn định thuế; xử lý việc chậm nộp tiền thuế, xử phạt hành vi khai sai; trình tự thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế; tổ chức lực lượng “điều tra” hoặc “cảnh sát thuế”.


Tại phiên họp, UBTVQH tập trung thảo luận về 3 nội dung có ý kiến khác nhau, đó là: Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế; thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH trong việc quyết định gia hạn nộp thuế; hiệu lực thi hành của luật.


Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách có quan điểm cho rằng công tác quản lý thuế nói chung, kiểm soát hoàn thuế nói riêng được thực hiện theo nguyên tắc giao cho doanh nghiệp tự giác trong kê khai thuế, lập hồ sơ hoàn thuế, vì vậy, về nguyên tắc, nhất thiết phải gắn liền với cơ chế hậu kiểm, tăng cường công tác kiểm tra nhằm bảo đảm hiệu lực thực tế của công tác quản lý thuế. Những năm qua, bên cạnh những bất cập trong tổ chức thực hiện thì một số quy định của pháp luật chưa bảo đảm tính chặt chẽ nên việc hoàn thuế đã bị lợi dụng, phát sinh nhiều tiêu cực, làm thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN), gây bức xúc trong dư luận.


Về việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế (trong trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau), Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết cơ quan thuế sẽ thực hiện phân loại, những đối tượng rủi ro cao sẽ kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Chỉ những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về thuế, đạt tín nhiệm cao mới được hoàn thuế trước. Thảo luận vấn đề này nhiều ý kiến cho rằng, việc kiểm tra đối với 4 trường hợp rủi ro cao là cần thiết. Tuy nhiên, không nên quy định kiểm tra tất cả các hồ sơ hoàn thuế sẽ làm phát sinh một khối lượng công việc rất lớn cho đội ngũ cán bộ thuế.


Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ việc xây dựng pháp luật về thuế phải cân bằng giữa hai mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi cho người đóng thuế và cơ quan thu thuế; đồng thời tăng cường kiểm soát, hạn chế gian lận về thuế. Đơn giản, minh bạch sẽ tránh tiêu cực trong quản lý thuế - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.


Về dự án Luật Dự trữ quốc gia (DTQG), các ý kiến thảo luận tập trung vào một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về mục tiêu của DTQG; ngân sách nhà nước chi cho DTQG; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan...


Thảo luận về mục tiêu của DTQG (Điều 1), nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu trong Dự thảo luật là quá rộng, chưa phù hợp với bản chất của DTQG, đề nghị chỉ tập trung vào mục tiêu phòng, chống và khắc phục những bất trắc, hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh. Việc thu hẹp mục tiêu sử dụng DTQG dựa trên cân đối nguồn lực, bỏ quy định mục tiêu “tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần bảo đảm an sinh xã hội” để bảo đảm phù hợp với bản chất DTQG, tránh dàn trải, theo đó, nguồn lực DTQG chỉ được sử dụng trong trường hợp đột xuất, cấp bách, bất khả kháng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đời sống, an sinh xã hội trên phạm vi rộng mang tính vùng, miền, toàn quốc và quốc phòng, an ninh quốc gia.


Trên cơ sở phân tích một số trường hợp cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần cân nhắc đề xuất của cơ quan soạn thảo đề nghị giữ quy định mục tiêu “tham gia bình ổn thị trường và góp phần bảo đảm an sinh xã hội” trong một số trường hợp cụ thể.

 

Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về quản lý, khai thác khoáng sản


Đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường (BVMT), Báo cáo giám sát nêu rõ: Công tác quản lý khai thác, chế biến khoáng sản đã được quan tâm chỉ đạo; công tác BVMT trong khai thác, chế biến khoáng sản đã từng bước được quan tâm thực hiện, nhất là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tổ chức bộ máy, năng lực quản lý nhà nước về khoáng sản và BVMT trong hoạt động khoáng sản đã được kiện toàn một bước cơ bản. Kinh phí cho công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và BVMT trong hoạt động khoáng sản từng bước được đầu tư và sử dụng hợp lý hơn.


Theo thống kê chưa đầy đủ, số doanh nghiệp tham gia hoạt động trong công nghiệp khai thác mỏ tăng nhanh từ 427 doanh nghiệp (năm 2000) lên đến gần 2.000 doanh nghiệp vào thời điểm hiện tại. Theo Đoàn giám sát, thực thi pháp luật về khoáng sản của nhiều doanh nghiệp về cơ bản là nghiêm túc, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn, các doanh nghiệp liên doanh với các đối tác nước ngoài từ những nước tiên tiến; thực thi pháp luật về BVMT tương đối nghiêm túc.


Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, trước hết là sự thiếu đồng bộ trong công tác lập, thực hiện quy hoạch khoáng sản với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Công tác điều tra địa chất, thăm dò, đánh giá trữ lượng chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT còn nhiều bất cập; công tác cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, việc quản lý ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và sử dụng quỹ cũng còn nhiều hạn chế...


Thảo luận tại phiên họp, các ủy viên UBTVQH đánh giá Báo cáo giám sát về cơ bản đã phản ánh một cách toàn diện, nghiêm túc, công phu với phạm vi rộng, tư liệu phong phú, có chất lượng về tình hình ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác khoáng sản gắn với BVMT.


Nhiều ý kiến đề nghị Báo cáo giám sát cần làm rõ hơn nữa vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, cần nêu bật thêm tính tương quan giữa mức độ đóng góp của khai thác khoáng sản với phần đầu tư từ ngân sách nhà nước và những tác động đối với môi trường tự nhiên và xã hội. Đồng thời, phản ánh đậm nét hơn kết quả xử lý vi phạm kỷ cương, pháp luật trong lĩnh vực này, chỉ ra ng

uyên nhân, xác định rõ chủ thể cần chấn chỉnh để các bộ, ngành, địa phương thấy được trách nhiệm của mình, có biện pháp khắc phục hạn chế, yếu kém.


Cơ bản tán thành với những kiến nghị, đề xuất của Đoàn giám sát, UBTVQH cũng cho rằng, cần có thêm những giải pháp mạnh mẽ, cụ thể, sát thực tế hơn về trước mắt cũng như lâu dài, nhằm hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động khoáng sản gắn với BVMT; nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, đáp ứng yêu cầu quản lý, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh vi phạm.


Quỳnh Hoa - Thanh Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN