Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

Ngày 7/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã làm việc với các bộ, ngành liên quan về việc thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN.

Cho ý kiến vào Đề án thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các đại biểu cho rằng cơ quan đại diện chủ sở hữu toàn diện, cao nhất là Chính phủ. Chức năng của cơ quan chuyên trách này ngoài việc đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cần có thêm chức năng đầu tư vốn của nhà nước không loại trừ yếu tố lợi ích cục bộ, ngành, địa phương.


Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Hiếu đề nghị làm rõ cơ chế hoạt động, biên chế và tổ chức bên trong của cơ quan này, cũng như các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể, có được quyền bổ nhiệm chủ tịch tập đoàn hay không, được tham gia ứng cử, đề cử vào các tập đoàn không?

Nêu quan điểm, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu nhận định nên có tổng công ty quản lý vốn về năng lượng gồm xăng dầu, than, điện để giải quyết các vấn đề an ninh năng lượng quốc gia. Đề án cần phải nghiên cứu hoàn thiện thêm, có ý kiến của tập thể Chính phủ.


Tán thành với quan điểm này, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng trước hết, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thống nhất nội dung, quan điểm trước khi trình lên Chính phủ.


Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp là thực hiện chủ trương của Đảng đã được quán triệt tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết 05 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.


Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV cũng thống nhất việc thành lập cơ quan này. Việc xây dựng Đề án cũng nhằm thực hiện quy định về chức năng của Cơ quan đại diện chủ sở hữu được quy định tại Luật quản lý, đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Tổ chức Chính phủ và các pháp luật khác liên quan.


Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng hoàn thiện Đề án báo cáo các cơ quan liên quan theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị toàn quốc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016- 2020. Các Bộ chủ trì soạn thảo, thẩm tra cần bám sát quy định của các luật, nhận thức rõ chủ trương của Đảng, các quyết sách của Quốc hội để xây dựng Đề án.


“Đây là Đề án thực hiện chủ trương chứ không phải đi xin chủ trương nữa nên phải rất chi tiết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Theo đó, Đề án cần thể hiện rõ các nội dung về sự cần thiết và căn cứ thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, lưu ý tới việc dự báo cho giai đoạn sau năm 2020 khi số lượng doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm đi, chỉ tập trung vào những lĩnh vực then chốt, lĩnh vực quốc phòng, an ninh hoặc những lĩnh vực mà tư nhân không muốn làm hoặc không có khả năng làm.


Phó Thủ tướng yêu cầu làm nổi bật được mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này là thực hiện chức năng tập trung đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước thay vì phân tán ở các bộ, ngành như hiện nay; xu hướng vai trò của doanh nghiệp nhà nước được nâng lên và hiệu quả tốt hơn.


Theo Phó Thủ tướng, việc thành lập cơ quan này sẽ tạo điều kiện để các Bộ làm tốt hơn chức năng quản lý nhà nư ớc đối với vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, bao gồm việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chiến lược đầu tư phát triển doanh nghiệp theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch phát triển ngành; xây dựng, lưu giữ các thông tin cơ bản về doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực; ban hành danh mục, phương thức quản lý tài chính, chính sách ưu đãi đối với sản phẩm, dịch vụ công ích và giám sát, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm.


Về nhiệm vụ, quyền hạn, Phó Thủ tướng cho rằng cần cụ thể hóa các nhiệm vụ tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước; tham mưu phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Chính phủ thực hiện các quyền chủ sở hữu; giám sát, thanh tra, quản lý hoạt động đầu tư quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cơ quan này chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về việc thực hiện chức năng, quyền hạn của mình.

Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ phải làm rõ cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy và tài chính của Cơ quan này ngay trong Đề án. Đi kèm với đó là rà soát các văn bản pháp luật, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, xóa bỏ các văn bản quy định về đại diện chủ sở hữu nhà nước không còn phù hợp. Cơ cấu tổ chức của cơ quan này theo mô hình Ủy ban trực thuộc Chính phủ, trong đó cần quy định rõ các đơn vị trực thuộc, các đầu mối quản lý.



Chu Thanh Vân
Doanh nghiệp cần các chính sách hỗ trợ phù hợp
Doanh nghiệp cần các chính sách hỗ trợ phù hợp

Tại Việt Nam, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp, sử dụng tới hơn 50% lực lượng lao động và đóng góp hơn 40% GDP. Nhưng hiện nay khối này vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh như: tín dụng, mặt bằng sản xuất, thị trường…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN