Doanh nghiệp phải đảm bảo số lượng lao động đóng bảo hiểm xã hội

Việc bổ sung tiêu chí lao động tham gia bảo hiểm xã hội không chỉ thu hẹp đối tượng mà còn tạo cơ sở để doanh nghiệp nhỏ và vừa tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 17-21/4 tại Nhà quốc hội. Trong phiên họp sáng nay 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bổ sung tiêu chí lao động tham gia bảo hiểm xã hội

Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho thấy, để bảo đảm tính khả thi trong khả năng nguồn lực có hạn, dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm mức trần về số lao động từ 300 xuống 200 lao động; bổ sung điều kiện lao động tham gia bảo hiểm xã hội. 

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội năm 2015, trong khoảng 480.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có đăng ký mã số thuế, chỉ có 199.500 doanh nghiệp tham gia BHXH, chiếm khoảng 42% tổng số doanh nghiệp. 

Việc bổ sung tiêu chí lao động tham gia bảo hiểm xã hội không chỉ thu hẹp đối tượng mà còn tạo cơ sở để doanh nghiệp nhỏ và vừa tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đối với các đối tượng có trọng tâm cũng đã quy định rõ hơn về đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ. Cụ thể, hộ kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi thành doanh nghiệp được hỗ trợ thủ tục đăng ký, sau khi chuyển đổi thì doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn miễn phí về thuế, kế toán trong thời hạn 3 năm, miễn lệ phí môn bài trong 3 năm. 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được đào tạo chuyên sâu về trình độ công nghệ kỹ thuật, thúc đẩy liên kết, hỗ trợ thử nghiệm, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tại khoản 4 Điều 17; ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ, cấp bù lãi suất để hỗ trợ các ngân hàng cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng khẳng định sự đồng tình với việc bổ sung tiêu chí lao động tham gia bảo hiểm xã hội vào dự thảo luật, để qua đó thể hiện trách nhiệm của giới chủ. “Tôi tin rằng đưa câu chuyện này ra Quốc hội sẽ thuyết phục. Tôi cũng được thuyết phục bởi nội dung này. Hiện tiền nợ bảo hiểm xã hội, chúng ta chưa sờ đến thôi, nếu chúng ta giám sát chuyên đề này thì chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết.

Doanh nghiệp sẽ được áp dụng thủ tục thuế và kế toán đơn giản hơn

Về việc đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (Điều 15), báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế cho thấy:  Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế trong khi vẫn phải áp dụng các quy định phức tạp về hệ thống sổ sách kế toán, nhân sự quản lý tài chính như các doanh nghiệp vừa.

Do vậy, dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung tại Điều 9 quy định để tạo cơ sở pháp lý cho luật chuyên ngành sửa đổi, bổ sung cho nhóm doanh nghiệp này được áp dụng thủ tục thuế và kế toán đơn giản hơn hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp này. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: “Mặc dù không bổ sung trực tiếp tại Điều 15 nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh cơ bản sẽ là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và sẽ được hỗ trợ theo quy định tại Điều 9. Với quy định này sẽ đáp ứng nhu cầu thực tế và là một hỗ trợ quan trọng để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp”.

Phát biểu kết thúc phiên họp cho ý kiến về dự thảo luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với hướng tiếp thu, giải trình về dự thảo luật mà Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra. 

Thường vụ Quốc hội khẳng định đây là luật chung, luật khung đưa ra nguyên tắc pháp lý để sửa các luật khác như Luật thuế, Luật đất đai, Luật các tổ chức tín dụng...  

Tên gọi dự án luật sẽ giữ đúng như dự thảo luật. Về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa thì có 3 tiêu chí: doanh thu, vốn và lao động. Riêng về lao động, lấy trần 200 lao động là hợp lý và những lao động này phải tham gia bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền lợi của người lao động, đề cao trách nhiệm của người chủ. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị rà lại Điều 30 để không ảnh hưởng chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức như VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa và các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát lại Mục 2 Điều 15, Điều 10, 16, 17.Về thời điểm thi hành luật, cần xác định có lộ trình để sửa các luật có liên quan. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa dự án này ra kỳ họp thứ 3 để Quốc hội xem xét, thông qua. 

Xuân Phong/Báo Tin Tức
Hai Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Hai Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN