Đoàn kết các dân tộc là vô cùng quan trọng

Trích tham luận “Tăng cường đoàn kết các dân tộc, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường” do đồng chí Niê Thuật, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk trình bày tại phiên họp sáng 14/1.

“… Thực hiện chủ trương của Ðảng, Đắk Lắk đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xác định đại đoàn kết dân tộc là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với cách mạng Việt Nam nói chung, đối với Tây Nguyên và Đắk Lắk nói riêng.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ðảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển nhanh, nhất là về xây dựng kết cấu hạ tầng: Giao thông, điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế, thông tin liên lạc...


Ðược tạo điều kiện về đất sản xuất, nhà ở, vốn, hướng dẫn kỹ thuật, đại bộ phận đồng bào đã yên tâm sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, một số hộ đã vươn lên làm giàu chính đáng.

Ðối với những vùng có khó khăn về đất sản xuất, một số doanh nghiệp cà phê, cao su, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã đưa lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân tạo thu nhập ổn định, cải thiện đời sống. Ðến nay, Đắk Lắk đã hoàn thành 4 mục tiêu của Chương trình 132, 134 về giải quyết đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiếu số tại chỗ; triển khai xây dựng gần 13.000 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đạt trên 90% kế hoạch.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong tập hợp, đoàn kết, giáo dục các tầng lớp nhân dân ngày càng được chú trọng, có hiệu quả thiết thực. Thực hiện tốt chủ trương kết nghĩa giữa cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, một số địa phương người Kinh với thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó tăng cường đoàn kết tạo sự gần gũi, thân thiện, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau.

Đắk Lắk có trên 25% đồng bào theo các tôn giáo, nhìn chung các chức sắc tôn giáo, tín đồ các tôn giáo đều có lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền. Đảng bộ Đắk Lắk luôn nhận thức sâu sắc rằng mọi chủ trương, chính sách, nhiệm vụ cũng như trong tổ chức thực hiện ở các cấp ủy, chính quyền phải luôn xuất phát từ lợi ích của nhân dân, thực sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo đúng pháp luật; chống thái độ phân biệt, định kiến.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo quá trình đầu tư, xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở Đắk Lắk, Đảng bộ, các cấp ủy, chính quyền luôn chú trọng đến công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và giữ gìn những giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo vệ môi trường được nâng lên.


Trong các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành đều có tính đến việc bảo vệ môi trường, sự tác động môi trường và sự phát triển bền vững…

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo chủ trương tăng cường đoàn kết các dân tộc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường, tôi xin đề xuất một số giải pháp thực hiện như sau:

Trước hết cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tổ chức đa dạng, linh hoạt, phong phú, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp thông tin tuyên truyền, giáo dục để cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy rõ truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, nhằm củng cố vững chắc lòng tin tuyệt đối vào Đảng, vào chế độ.

Thứ hai, đầu tư có hiệu quả chương trình giảm nghèo với các giải pháp đồng bộ. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đào tạo đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số, mở rộng quy mô trường dân tộc nội trú tỉnh.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho nhân dân về bảo vệ môi trường, từ đó tích cực tham gia ngăn ngừa, hạn chế sự gia tăng ô nhiễm môi trường; khuyến khích nông dân sản xuất tạo ra sản phẩm sạch hơn, hạn chế dùng thuốc trừ sâu, phân hóa học, khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học, vật liệu không làm ảnh hưởng đến môi trường; khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Thứ tư, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa của nông dân, phát triển kinh tế hài hòa giữa các vùng, tạo chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn. Tiếp tục xác định xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình phát triển…”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN