Đoàn Giám sát Quốc hội làm việc tại Sóc Trăng

Ngày 17/7, Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng. Ảnh Tuấn Phi/TTXVN

Tại Sóc Trăng, Đoàn sẽ giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 1 (2021 - 2025).

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, tổng vốn huy động từ năm 2021 - 2023 để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là 10.657,4 tỷ đồng; trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 9.862,3 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 136,3 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 654,1 tỷ đồng.

Sau 2 năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn của tỉnh ngày càng hoàn thiện, hệ thống y tế giáo dục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Hiện, tỉnh Sóc Trăng có 64/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021 - 2025), tỉnh đầu tư 67 công trình xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 197 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 267 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Về công tác giảm nghèo, hiện Sóc Trăng còn 15.139 hộ nghèo; chiếm 4,54% dân số toàn tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, từ đó, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm nhanh và bền vững theo từng năm.  

Thành viên Đoàn Giám sát đã trao đổi với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng xoay quanh nhiều vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Đồng thời, Đoàn đã đặt ra nhiều vấn đề về công tác chỉ đạo, trách nhiệm của từng ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh biểu dương những kết quả của tỉnh trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua. 

Bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị địa phương tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Đoàn Giám sát để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian tới. Đoàn Giám sát cũng tiếp thu những kiến nghị của tỉnh, tổng hợp báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có sự chỉ đạo thực hiện phù hợp.

Cùng ngày, Đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại huyện Trần Đề, huyện Châu Thành và đánh giá cao việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương.

Tin, ảnh: Tuấn Phi (TTXVN)
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Quảng Nam
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Quảng Nam

Chiều 10/7, tại tỉnh Quảng Nam, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021; kết quả triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN