Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại tỉnh Cà Mau

Chiều 7/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn, đã làm việc với tỉnh Cà Mau về việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021; khảo sát thực tế tại Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau và Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2, thuộc Khu Công nghiệp  Khí - Điện - Đạm Cà Mau.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 của tỉnh Cà Mau. 

Báo cáo với Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi thông tin, theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Cà Mau đến năm 2025, có xét đến 2035; Quy hoạch Phát triển điện gió tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030 và danh mục các nguồn điện được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch, tỉnh được phê duyệt quy hoạch 1.000MW điện gió, 60MW điện mặt trời, 24MW điện sinh khối.

Kết quả thực hiện đến nay, Cà Mau đã có 16 dự án điện gió. Đối với điện mặt trời, hiện đã có nhà đầu tư đề xuất dự án, tỉnh đang xem xét về chủ trương đầu tư dự án và lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Địa bàn tỉnh hiện có 1.219 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất 111,579MW, sử dụng công tơ hai chiều để hòa lưới điện quốc gia.

Về điện sinh khối, tỉnh có một dự án 24MW đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhà đầu tư đã trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh, Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2 đang vận hành, với tổng công suất thiết kế 1.500MW. Giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Cà Mau không quy hoạch bổ sung.

Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 6,5%/năm, thấp hơn dự báo nhu cầu điện theo quy hoạch được duyệt (11,6%/năm). Bên cạnh đó, tổn thất điện năng trên lưới điện trong giai đoạn 2016 - 2021 có xu hướng giảm dần, năm 2016 là 8%, đến năm 2021 là 5,45% thể hiện việc sử dụng năng lượng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Song song đó, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau. Đến nay, nội dung dự thảo Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau đã hoàn thiện, UBND tỉnh đã trình Bộ Công Thương thẩm định, với mục tiêu xuất khẩu điện từ năng lượng tái tạo đến năm 2031 là 2.000MW, đến năm 2035 là 3.000MW, đến năm 2040 là 5.000MW, kết hợp với sản xuất và xuất khẩu các nguồn năng lượng mới.

Tại buổi làm việc, tỉnh Cà Mau kiến nghị đoàn giám sát xem xét, đề nghị cấp thẩm quyền ban hành giá mua điện chính thức cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời và ban hành cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích phát triển nhà máy điện gió, điện mặt trời, để thu hút thêm nhà đầu tư thực hiện các dự án mới theo quy hoạch được phê duyệt. Tỉnh kiến nghị đoàn giám sát xem xét, đề nghị các Bộ, ngành liên quan sớm thẩm định Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau, tạo cơ hội để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Đồng thời, tỉnh đề nghị cấp thẩm quyền ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện dự án năng lượng tái tạo không nối lưới để sản xuất Hydrogen và xuất khẩu điện.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty Khí Cà Mau và Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau, góp phần tăng trưởng ngành công nghiệp của địa phương, tỉnh kiến nghị Đoàn giám sát xem xét, đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, có phương án tăng cường nguồn cấp khí; quan tâm có ý kiến với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường huy động sản lượng điện của Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2.

Việc điều chỉnh kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh khí tại Cà Mau theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn (kê khai, nộp thuế tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) đã làm giảm số thu, quy mô thu ngân sách hàng năm của tỉnh Cà Mau khoảng 20%; từ đó, kéo giảm trần nợ vay của chính quyền địa phương, làm giảm quy mô, khả năng đầu tư phát triển của tỉnh. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Đoàn giám sát quan tâm, có ý kiến với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, thành lập mới chi nhánh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại tỉnh Cà Mau hoặc bổ sung trong Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, để kê khai, nộp thuế đối với các hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên địa bàn.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng, cần tính toán đến vấn đề nguồn nhiên liệu, khai thác phải cân đối và tính tới việc giữ gìn tài nguyên quốc gia cho tương lai, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Xuất khẩu điện là vấn đề mới, còn vướng các quy định về điện lực và nhiều vấn đề khác như: Quản lý biển, môi trường, quốc phòng an ninh. Vì vậy, tỉnh rất mong Quốc hội quan tâm hỗ trợ cho Cà Mau, ngành Công Thương sớm có những quy định về hành lang pháp lý phù hợp để triển khai thực hiện.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận những kết quả phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong thời gian qua. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, đánh giá cao sự phát triển năng lượng trên địa bàn, đồng thời nhấn mạnh, Cà Mau không có các mỏ có tiềm năng khai thác than, dầu khí và không có tiềm năng về thủy điện, nhưng tỉnh được nghiên cứu quy hoạch về hạ tầng cung cấp khí và đánh giá tiềm năng các dạng năng lượng tái tạo. Với nguồn lợi gió từ vùng biển ngoài khơi rất lớn, tỉnh Cà Mau còn có lợi thế phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, xuất khẩu điện gió ra nước ngoài.

Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Cà Mau và các cơ quan liên quan về sửa đổi, hoàn thiện những chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBND tỉnh Cà Mau tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh báo cáo giám sát và gửi lại cho Đoàn trước ngày 15/8/2023.

Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có khảo sát thực tế tại Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2, Nhà máy Xử lý khí Cà Mau đặt tại xã Khánh An, huyện U Minh.

Trước thực tế hoạt động gặp nhiều khó khăn, đại diện Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam kiến nghị Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam hoặc Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau thống nhất với EVN về chênh lệch giá điện tại Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2; xem xét bổ sung dự án Nhà máy Điện Cà Mau 3 vào quy hoạch điện để sử dụng nguồn khí LNG bổ sung cho nguồn khí hiện tại đang thiếu hụt cho Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2.

Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh, Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2, Nhà máy Xử lý khí Cà Mau là những dự án đặc biệt ý nghĩa đối với tỉnh Cà Mau. Qua quá trình triển khai và thực tế, các dự án đã đóng góp khoảng 50% tỷ trọng công nghiệp, tác động rất lớn đến việc tăng trưởng của tỉnh.

Các nhà máy đã thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách, đóng góp cho công tác an sinh xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, quá trình hoạt động vẫn còn vướng về mặt cơ chế. Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt kiến nghị Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan Trung ương có cơ chế hài hòa để tạo điều kiện cho các nhà máy hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao kết quả hoạt động của các nhà máy, nhất là trong công tác vận hành, bảo dưỡng. Kết quả hoạt động của các nhà máy đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận kiến nghị, khó khăn, thách thức của các nhà máy đang gặp phải, nhất là thách thức trong cơ chế vận hành, huy động các nguồn lực, vai trò điều phối quản lý chung, sau đó sẽ tổng hợp và có buổi làm việc với Chính phủ để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Huỳnh Anh (TTXVN)
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Quảng Nam
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Quảng Nam

Chiều 10/7, tại tỉnh Quảng Nam, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021; kết quả triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN