Đo đạc và bản đồ cần đảm bảo bí mật, an ninh quốc gia

Hiện phương tiện bay đang được sử dụng rất rộng rãi ở các lĩnh vực chứ không riêng gì đo đạc, bản đồ, như: hoạt động thể thao, cứu hộ cứu nạn, phục vụ đưa tin trên truyền hình... Để để tránh kẻ xấu lợi dụng, làm mất an ninh trật tự thì cần có quy định cụ thể về quản lý phương tiện bay trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ.

Sáng nay 12/9, Ủ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Đo đạc và bản đồ. Góp ý cho dự thảo luật, theo các đại biểu, giống như Luật quy hoạch, Luật đo đạc và bản đồ sẽ liên quan tới nhiều luật khác. Việc đo đạc, bản đồ liên quan trực tiếp đến lĩnh vực an ninh quốc phòng, nên vấn đề bảo mật cần được đặc biệt chú ý với các quy định cụ thể.

Chủ nhiệm các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu cấn đề: Vấn đề bảo mật với sản phẩm đo đạc thể hiện thế nào? Dự thảo luật mở rộng ra cả đối tượng là cá nhân, tổ chức nước ngoài được thực hiện đo đạc thì vấn đề đảm bảo bí mật của nhà nước ra sao?

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, hiện dự thảo Luật có một số điều (Điều 4, 12, 22, 25,58) về đảm bảo an ninh quốc phòng nhưng như thế chưa đủ. Cần rà roát thêm để có đầy đủ các quy định đối với một số hoạt động đo đạc, bản đồ, nếu ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh thì phải quy định và phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về vấn đề này để quản lý. 

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, hiện đang có xu hướng sử dụng thiết bị bay không người lái để thực hiện đo đạc kỹ thuật. Để quản lý lĩnh vực này thì cần có quy định cụ thể về quản lý các phương tiện bay.

“Hiện phương tiện bay đang được sử dụng rất rộng rãi ở các lĩnh vực chứ không riêng gì đo đạc, bản đồ, như hoạt động thể thao, cứu hộ cứu nạn, kể cả là đưa tin trên truyền hình. Vì vậy, quản lý các phương tiện bay thực sự khó. Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, làm mất an ninh trật tự thì cần có quy định cụ thể về quản lý phương tiện bay khi đưa vào đo đạc, bản đồ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị. 

Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, cần xác định rõ phạm  vi điều chỉnh của luật như: hoạt động đo dạc, vẽ bản đồ, xuất bản bản đồ. 

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cần xem lại sự chồng chéo, lãng phí khi chụp không ảnh (tại Điều 12). “Theo dự thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường chụp một cái để làm bản đồ cơ bản chuyên ngành thuộc phạm vi của bộ, Bộ Quốc phòng chụp một cái phục vụ cho quốc phòng an ninh. Tại sao Luật không quy định chung chụp không ảnh cho bản đồ cơ bản và bản đồ chuyên ngành? Rồi các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng chụp không ảnh nữa. Tại sao không có quy định không ảnh cho toàn bộ đất nước và từng tỉnh, từng vùng sử dụng chung cho các mục đích?”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề. 

Trước đó, trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đo đạc và bản đồ, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật đo đạc và bản đồ gồm 63 điều thể hiện trong 9 chương. 

Luật quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; đo đạc và bản đồ chuyên ngành; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.

Trong đó, với hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản, gồm 12 điều (từ Điều 9 đến Điều 20) quy định về: Nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; các mạng lưới đo đạc quốc gia (gồm: Hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia, hệ tọa độ quốc gia,hệ độ cao quốc gia và hệ trọng lực quốc gia, các mạng lưới đo đạc quốc gia); hệ thống không ảnh (gồm: Dữ liệu ảnh hàng không và dữ liệu viễn thám); cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia; đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia và địa giới hành chính; chuẩn hóa địa danh.

Về hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành, gồm 8 điều (từ Điều 21 đến Điều 28)  quy định: Nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; đo đạc và bản đồ quốc phòng; đo đạc, thành lập bản đồ địa chính; đo đạc, thành lập hải đồ; đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm; thành lập bản đồ hàng không dân dụng; thành lập các loại bản đồ chuyên ngành khác; bản đồ chuyên đề, tập bản đồ chuyên đề; atlas quốc gia; khảo sát địa hình, đo đạc công trình; thành lập bản đồ hành chính.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ. 

Theo đó, việc ban hành Luật đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về “Tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ mới, tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin trong dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp và thống nhất về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu theo chuẩn quốc tế. Có cơ chế phù hợp khai thác, chia sẻ thông tin, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu”. 

Việc xây dựng dự án Luật cũng nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, khắc phục tình trạng đo đạc chồng chéo, lãng phí...

Xuân Phong/Báo Tin Tức
Khai mạc Kỳ họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội khóa XIV
Khai mạc Kỳ họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội khóa XIV

Kỳ họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra từ 11-20/9) đã khai mạc sáng nay 11/9. Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, kỳ họp này sẽ diễn ra trong thời gian 8 ngày, nhiều hơn 2 ngày so với dự kiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN