Định hướng giáo dục từ ngày đầu thành lập nước

Sau ngày 2/9/1945, cả nước gặp khó khăn về mọi mặt. Chính phủ non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem việc chống “giặc dốt” là một trong những nhiệm vụ cấp bách. Những lời kêu gọi, những lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính định hướng cho giáo dục nước nhà ngày đó đã trở thành kim chỉ nam cho toàn ngành giáo dục trong sự nghiệp trồng người.

Cấp tốc nâng cao dân trí

Cách mạng tháng Tám thành công, khi chính quyền mới còn đang trong những ngày đầu khó khăn, mục tiêu diệt giặc dốt, bên cạnh nhiệm vụ diệt giặc đói và giặc ngoại xâm đã được đề ra, chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đến công tác giáo dục. Ngày 3/9/1945, tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị “mở chiến dịch chống nạn mù chữ”. Tiếp theo, ngày 4/10/1945, Người ra “Lời kêu gọi chống nạn thất học”, trong đó nêu rõ: “Khi xưa, Pháp cai trị nước ta, chúng thi hành chính sách ngu dân. Chúng hạn chế mở trường học, chúng không muốn cho dân ta biết chữ, để dễ lừa dối dân ta và bóc lột dân ta. Số người Việt Nam thất học so với số người trong nước là 95%, nghĩa là hầu hết người Việt Nam mù chữ. Như thế thì tiến bộ làm sao được?”.

Một lớp bình dân học vụ xóa mù chữ sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân năm 1945.


Ngày 8/9/1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Nha Bình dân học vụ nhằm xóa mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa. Trong “Lời kêu gọi chống nạn thất học”, Hồ Chủ tịch viết: “Chính phủ đã ra hạn trong một năm tất cả mọi người Việt Nam đều phải biết chữ quốc ngữ. Chính phủ đã lập một Nha Bình dân học vụ để trông nom việc học của nhân dân... Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Vậy cách học như thế nào? Theo Hồ Chủ tịch thì: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hay góp sức vào Bình dân học vụ. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ. Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm. Đây là lúc các chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử. Công việc này mong chị em thanh niên sốt sắng giúp sức” (Trích Hồ Chí Minh – Tuyển tập. Nhà xuất bản sự thật, 1960, tr.222).

Các lớp Bình dân học vụ được mở khắp các thôn xóm. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy, việc học chữ diễn ra khắp nơi ở mọi thời điểm. Kết quả là sau một năm, đến tháng 9/1946, cả nước đã mở được 76.000 lớp học, xóa mù chữ được cho 2,5 triệu người.

“Công cuộc kiến thiết cần các cháu rất nhiều”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến thanh thiếu niên. Sau ngày độc lập, Người đã gửi gắm những mong muốn, tư tưởng về giáo dục với thanh thiếu niên trong ngày khai trường đầu tiên.

Trong lá thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác Hồ viết: “... sau mấy tháng nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các cháu lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này trở đi các cháu bắt đầu được hưởng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam... Ngày nay các cháu được cái may mắn hơn cha anh là được hưởng một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các cháu nên những người công dân có ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các cháu”.

Bác Hồ kính yêu đã bày tỏ rõ khao khát về nền giáo dục độc lập, một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Để làm được điều đó, trong bức thư ấy, Bác dặn dò các học sinh, trong đó có những câu đã trở thành kinh điển: “Trong năm học tới đây, các cháu hãy cố gắng siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, đua bạn. Sau 80 năm trời nô lệ làm cho nước nhà yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ, mà tổ tiên để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các cháu rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Sự quan tâm của Bác Hồ tới nền giáo dục nước nhà được thể hiện xuyên suốt. Năm 1969, dù đã yếu, Bác Hồ vẫn thường xuyên theo dõi tin tức hoạt động học tập và lao động tại các nhà trường. Người rất vui khi biết học sinh Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt vẫn cố gắng học tập và lao động sản xuất. Chiều 19/5/1969, sau khi các thầy thuốc kiểm tra xong sức khỏe, Bác Hồ đã ngồi viết thư khen các cháu học sinh thôn Phú Mẫn, Yên Phương, Bắc Ninh. Trong thư có đoạn: "Bác rất vui lòng biết các cháu vừa học tập tốt vừa tham gia sản xuất tốt... Các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà. Bác mong các cháu luôn luôn cố gắng hơn nữa. Bác cũng mong các cháu thiếu niên ở những địa phương khác làm theo các bạn nhỏ ở hợp tác xã măng non Phú Mẫn”.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt hơn 60 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện tư tưởng của Người: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”. Việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ đang tiếp tục được cụ thể hóa trong công tác phổ cập giáo dục, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, đổi mới cơ chế quản lý tài chính giáo dục…

66 năm qua, những lời dạy của Bác Hồ kính yêu đã trở thành kho tàng vô giá với những tư tưởng giáo dục cách mạng nhân văn. Toàn thể những người làm công tác giáo dục, các giáo viên, học sinh luôn thấm nhuần những lời dạy của Bác, nỗ lực không ngừng trong học tập, nghiên cứu, sáng tạo để đưa dân tộc Việt Nam “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như tâm nguyện của Người.

Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN