'Địa dư đồ khảo' khẳng định Hải Nam là cực biên của Trung Quốc

Ngày 28/8, tại Trụ sở Báo Giác Ngộ, TP Hồ Chí Minh, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ Công bố Tập sách “Địa dư đồ khảo”, xuất bản dưới triều vua Quang Tự nhà Thanh (1875-1908).

Tập sách này có kèm theo bản đồ chi tiết rõ ràng, nội dung chính thức xác nhận Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam ) là biên giới cuối cùng của lục địa Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (cháu đời thứ tư của cụ Trần Đình Bá) giới thiệu tập sách “Địa dư Đồ khảo” tại lễ công bố. Ảnh: Thế Anh-TTXVN


Tập sách do cụ Trần Đình Bá (1867 – 1933) lúc làm Thượng thư bộ Hình triều Khải Định (1916-1925) đã cho sao chép cất vào tủ sách Phước Trang ở tư thất (số 114 Mai Thúc Loan, TP Huế), truyền đến đời thứ 4 là Trần Đình Sơn thừa kế, di chuyển vào Sài Gòn từ năm 1968, hiện vẫn được lưu giữ tại 128 Đinh Tiên Hoàng, TP Hồ Chí Minh.

Tập sách Địa dư đồ khảo, viết trên giấy xuyến tốt, bên ngoài có bìa cứng, bọc lụa đỏ, kế đến là bìa giấy cũ màu nâu. Tổng cộng có 65 tờ viết chữ Nho hai mặt, chữ còn rõ đẹp, gồm 20 mục khảo cứu về địa dư và 20 bản đồ chi tiết đính kèm.

Hòa thượng Thích Trung Hậu, Trưởng Ban Văn hóa TW GHPGVN khẳng định: Dân tộc và Phật giáo luôn gắn liền với nhau. Bằng việc công bố tài liệu cổ liên quan đến vấn đề lãnh hải của đất nước, Giáo hội Phật giáo quan niệm rằng, ngoài công việc tu học theo giáo pháp của Đức Phật, những việc gì mang lại lợi ích cho dân tộc, cho số đông cũng là Phật sự - việc cần phải thực hiện.

Giáo sư Cao Huy Thuần, giảng dạy về Luật học và Chính trị tại Đại học Picardia (Pháp) đánh giá cao đóng góp của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã cung cấp một chứng cứ mới, thêm một trong những bằng chứng “sáng chói”, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; khẳng định từ xa xưa, chính Trung Quốc chỉ công nhận biên giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết thêm: Ngày nay tại Du Lâm, cực Nam của Hải Nam vẫn còn các tảng đá rất to lớn ghi hàng chữ lớn Thiên Nhai Hải Giác (chân trời góc biển), hoặc Hải Khoát Thiên Không (biển rộng trời không, mênh mông vô bờ bến).

Trang bản đồ trong tập sách “Địa dư Đồ khảo”, trong đó chính thức xác nhận Quỳnh Châu (tên đảo Hải Nam ngày nay) là biên giới cuối cùng của Trung Quốc, được giới thiệu tại lễ công bố. Ảnh: Thế Anh-TTXVN


Ông cũng trích bài viết về biển Đông của học giả người Trung Quốc Lý Lệnh Hoa (Trung tâm Thông tin hải dương Trung Quốc), có đoạn viết: “Vào thời nhà Thanh, có một chiếc tàu buôn của Pháp chở đồng đi qua vùng biển Tây Sa thì gặp cướp biển, bị cướp sạch. Theo quy tắc vận tải hàng hóa trên biển, họ phải đến gặp chính quyền sở tại để trình báo, đề nghị giúp bắt bọn cướp, đồng thời xin chính quyền nơi đó xác nhận làm bằng chứng để khi về báo cáo lại với chủ hãng và đòi bảo hiểm bồi thường. Viên thuyền trưởng người Pháp đưa tàu chạy đến cảng gần nhất là Du Lâm ở đảo Hải Nam , trình báo với tri phủ địa phương. Viên quan địa phương nói với thuyền trưởng người Pháp: “Nơi chúng ta đứng đây có tên là Thiên Nhai Hải Giác. Đất của Thiên triều đến đây là hết rồi. Chuyện ông bị cướp ngoài biển biết là ở chỗ nào? Ông bị cướp, chúng tôi không chịu trách nhiệm. Không quản được mà cũng không muốn quản”. Viên thuyền trưởng đành phải cho tàu chạy vào cảng Hải Phòng. Quan chức địa phương ở đó rất tốt, xác nhận cho ông ta, lại còn cho tàu ra chạy ngoài biển, coi như đã truy bắt cướp. Đó là chứng cứ về kiểm soát và quản lý thực tế. Chứng cứ này nói lên: Chính phủ Trung Quốc ngay từ thời triều Thanh đã không thừa nhận Tây Sa là lãnh thổ của mình, cũng không đảm trách công tác trị an ở đó. Còn chính quyền Việt Nam khi đó không những đã cho Tây Sa là lãnh thổ của mình, mà còn thực thi công tác giữ gìn trật tự ở đó. Điều đó chẳng chứng minh Tây Sa từ xưa đến nay đều thuộc về Việt Nam hay sao?”.


Hà Huy Hiệp
Trưng bày bản đồ cổ 'Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ'
Trưng bày bản đồ cổ 'Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ'

Tấm bản đồ cổ “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được trưng bày tại phòng trưng bày “Di sản văn hóa biển Việt Nam” từ ngày 1/8 đến hết tháng 11/2012.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN