Di chúc của Bác về đoàn kết trong Đảng

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam bản Di chúc lịch sử mà những nội dung trong Di chúc đó có giá trị vượt thời gian.

 

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa có tính chính trị rất cao vừa thấm đẫm tư tưởng nhân văn và tình cảm của một CON NGƯỜI dành cho hậu thế.


Sức mạnh của đoàn kết


Hồ Chí Minh hiểu rõ quy luật nhân sinh: sinh - lão - bệnh - tử, nên Người đã chủ động đón nhận và chuẩn bị cho sự ra đi đó bằng việc suy ngẫm về những điều có thể dặn lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện giữa những ngày tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong rất nhiều điều dặn lại của Người, nổi lên vấn đề đoàn kết, đặc biệt là đoàn kết, thống nhất trong điều kiện Đảng đang nắm quyền lãnh đạo. Người viết: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".


Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dặn lại và mong mỏi như vậy? Theo chúng tôi, có mấy lý do sau:


Thứ nhất, Người hiểu rất rõ sức mạnh của sự đoàn kết, nhất trí. Sự đoàn kết ở đây không phải là đoàn kết hình thức, bằng mặt nhưng không bằng lòng, mà phải là sự đoàn kết thực sự, cùng chung một quan điểm, một suy nghĩ, từ đó cùng chung sức hành động trên cơ sở sự nhất trí cao về tư tưởng. Người thường nói: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Chỉ có đoàn kết, đồng tâm nhất trí thì mới mang lại sức mạnh tập thể, mới làm mọi việc thành công. Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong, cũng là nói về đoàn kết tạo nên sức mạnh nơi quảng đại quần chúng nhân dân.


Thứ hai, đoàn kết là một truyền thống của dân tộc, một tài sản vô giá, một sức mạnh vô địch không kẻ thù nào có thể đánh bại được. Các triều đại phong kiến xưa đã biết đoàn kết toàn dân để dựng xây đất nước và kháng chiến chống ngoại xâm. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đảm đương sứ mệnh lãnh đạo các tầng lớp nhân dân và toàn dân tộc tiến hành đấu tranh cách mạng, giành chính quyền, tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế, thì truyền thống đoàn kết tiếp tục được phát huy trong điều kiện, hoàn cảnh mới, đưa sự nghiệp cách mạng giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.


Thứ ba, là Người thấu hiểu hơn ai hết giá trị và sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất. Trên cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy tác hại, hậu quả khôn lường của sự mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân, đặc biệt là trong nội bộ Đảng. Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Người luôn nhắc nhở, cảnh báo các đồng chí Trung ương, cán bộ các cấp về những biểu hiện mất đoàn kết và nguy cơ của sự mất đoàn kết đưa lại. Người từng ví sự nghiệp cách mạng như một con thuyền, nếu mọi người trên thuyền đồng lòng, nhất trí hành động vì mục tiêu chung thì con thuyền cách mạng sẽ tiến nhanh về phía trước, sẽ sớm tới đích. Nhưng nếu những người trên thuyền không đồng tâm, không cùng một chí hướng, không chịu nhau, mỗi người chèo theo một hướng, thì thuyền không thể tiến lên, không thể về tới đích.


Tuy không nêu cụ thể vụ việc, tên tuổi của những cá nhân gây nên sự mất đoàn kết trong Đảng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lưu ý không loại trừ một ai khi yêu cầu các đồng chí từ Trung ương tới các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Nội bộ Đảng có đoàn kết thì mới tập hợp được lực lượng của toàn dân, mới đoàn kết được quốc tế, mới chống lại được các thủ đoạn đánh phá của kẻ thù.


Thứ tư, Người đã coi việc giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh ví Đảng như một cơ thể sống. Sự vận hành nhịp nhàng, thống nhất, "sự đoàn kết, thống nhất" giữa các bộ phận trong cơ thể là điều tối cần thiết, cần phải giữ gìn, nâng niu, bảo vệ.


Thứ năm, không có sự đoàn kết nhất trí, Đảng sẽ mất đi sức mạnh và hiệu lực lãnh đạo của mình. Mất đoàn kết trong Đảng còn dẫn tới nhiều hệ lụy khác: Đảng tự đánh mất sức đề kháng cần thiết, nội bộ sẽ phân tán, chia rẽ, bè phái; nhân dân, cán bộ hoang mang, thiếu tin tưởng, thậm chí mất lòng tin; kẻ thù sẽ nhân cơ hội đó khoét sâu yếu điểm, tìm cách lôi kéo, phá hoại nhằm hạ uy tín, làm suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng đây là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng vì mất đoàn kết là mất tất cả. Điều đó lý giải tại sao, trong nhiều điều dặn lại trong Di chúc, Người lại nhấn mạnh: Trước hết nói về Đảng.


Thực hành dân chủ


Để có thể giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng". Người cho rằng, yếu tố quan trọng đầu tiên để đoàn kết là phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau một cách thật sự và tự giác, không giả dối. Theo Người, nếu trong nội bộ Đảng mất dân chủ, không thực hiện thường xuyên chế độ phê bình và tự phê bình, cấp dưới sợ không dám phê bình cấp trên, còn cấp trên lại quan liêu, trấn áp, trù dập cấp dưới, mọi người ngại, tránh phê bình góp ý cho nhau thì nội bộ của Đảng âm u, cán bộ, đảng viên trung thực trong lòng uất ức không dám nói ra, từ đó sinh ra oán ghét, chán nản, thậm chí bất mãn, thờ ơ, buông xuôi.


Đây là những hiện tượng đã từng xảy ra ở nơi này, nơi kia, lúc này, lúc khác trong quá trình Đảng lãnh đạo tiến hành cách mạng, kháng chiến và cả trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Một khi nguyên tắc "tập trung dân chủ" trong hoạt động của Đảng không được hiểu đúng và thực hiện đúng sẽ dẫn tới sự mất đoàn kết trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Có hai biểu hiện thường thấy khi nguyên tắc tập trung dân chủ bị vi phạm. Một là, cán bộ lãnh đạo độc đoán, phớt lờ ý kiến, nguyện vọng của cấp dưới, thậm chí coi thường, vô hiệu hóa vai trò, chức năng của tập thể cấp ủy... sẽ dẫn tới cấp dưới sợ mà không tâm phục, khẩu phục, sự hoạt động của cơ quan, đơn vị hoàn toàn phụ thuộc vào cá nhân và một nhóm người thuộc êkip của cán bộ lãnh đạo độc đoán đó.


Hai là, tình trạng dân chủ quá trớn, ai ai cũng có thể có ý kiến; có ý kiến xây dựng và có cả ý kiến cố tình gây mất đoàn kết, hạ thấp uy tín lãnh đạo, kể cả việc sử dụng đơn thư nặc danh tố cáo, kiện những việc không có thật. Tình trạng này dẫn đến hiệu quả lãnh đạo bị xem nhẹ, bị hạn chế, nội bộ chia rẽ, nghi ngờ lẫn nhau, làm sức mạnh của tập thể bị ảnh hưởng. Tuy biểu hiện này không nghiêm trọng như biểu hiện lãnh đạo chỉ huy độc đoán, chuyên quyền, nhưng cũng gây tác hại không nhỏ tới đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng, trong các cơ quan, đơn vị.


Nhận thức sớm về nguy cơ của sự mất đoàn kết trong Đảng và cơ quan công quyền, từ năm 1947, trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu: mỗi cán bộ, đảng viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa khuyết điểm giống như hàng ngày phải rửa mặt; có như vậy thì trong cơ thể Đảng mới không có bệnh, Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng. Muốn vậy, mỗi đảng viên, cán bộ phải thường xuyên và định kỳ kiểm điểm, phê bình và tự phê bình trước tổ chức để thấy được mặt mạnh yếu của mình mà phát huy, khắc phục sửa chữa.


Thấm nhuần đạo đức cách mạng


Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác".


Trong bối cảnh hiện nay, khi một bộ phận cán bộ, đảng viên nắm quyền lãnh đạo, vì lợi ích cá nhân, vì lợi ích nhóm, không còn "một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc" thì đây chính là nguy cơ phá hoại sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm giảm sức mạnh và sức chiến đấu của đảng viên và tổ chức Đảng, dẫn đến làm suy giảm, hủy hoại uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng.


Là vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, có tầm nhìn xa, trông rộng, nhận thức rõ thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cân nhắc từng câu, từng chữ khi dặn dò lại: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng (chữ Người viết nghiêng để nhấn mạnh), thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".

 

Mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng, với cán bộ, đảng viên của Đảng, với vai trò là người lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cũng chính là mong mỏi của toàn dân trong tình hình hiện nay khi mà sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang trở thành vấn đề nhức nhối và ngày càng nghiêm trọng. Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cơ sở vững chắc bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng, chính là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nhất khi nói về Đảng.

 


PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà, Viện Lịch sử Đảng - Học viện CTQG Hồ Chí Minh

Người con miền Nam bốn lần được gặp Bác
Người con miền Nam bốn lần được gặp Bác

Là người con miền Nam may mắn được 4 lần gặp Bác Hồ trước lúc Người đi xa, được Bác ân cần, hỏi han, chuyện trò, được kể cho Bác nghe chuyện miền Nam là điều hạnh phúc nhất đời bà Nguyễn Thị Châu, vợ Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Hồng Tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN