Đêm hội vào mùa: Gỡ khó cho nông dân trồng cà phê

Đêm 12/3, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) diễn ra chương trình “Đêm hội vào mùa” nhằm tôn vinh, khích lệ nhà nông gắn bó với cây cà phê. Các nhà khoa học, doanh nghiệp đã chia sẻ những giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng cây cà phê.

Việt Nam là nước có sản lượng cà phê xuất khẩu lớn thứ 2 trên thới giới, với tổng kim ngạch trên 3 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, với tình hình biến đổi khí hậu, giá cả bấp bênh và đặc biệt diện tích cà phê già cỗi ngày một tăng, người nông dân hiện nay đang phải nhọc nhằn và đứng trước nhiều thách thức.

Các nông dân trồng cà phê tiêu biểu phấn khởi tham gia Đêm hội.

Tham dự Đêm hội có hàng trăm nông dân tiêu biểu đến từ 10 tỉnh trong cả nước trồng cây cà phê. Các nông dân nêu ý kiến về những thuận lợi và khó khăn phát triển cây cà phê hiện nay. Ông Trần Vũ Đức ở xã Cư Pô (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) trồng 6 ha cà phê, nhưng hiện nay đã bị già cỗi và sản lượng giảm gần nửa so với trước đây, thu nhập giảm sút. Ông Đức cho biết: “Sau 9 năm, sản lượng vườn cà phê nhà tôi giảm nửa, cùng với giá cả thị trường không ổn định “được mùa mất giá” nên rất khó khăn. Để nâng cao năng suất cây trồng thì phải tái canh, nhưng chúng tôi không có vốn và mất thu nhập nên để vậy, được đồng nào ăn đồng ấy”. Anh Đào Quý Dương, một nông dân trồng cà phê ở tỉnh Điện Biên cho biết: “Gia đình tôi trồng 10 ha cà phê. Trước đây, người trồng cà phê có tiếng về kinh tế, nhưng hiện nay như ngồi trên “chiếu bạc”, bởi sản lượng giảm sút và giá cả bất ổn. Những năm đầu vườn cà phê cho năng suất gần 30 tấn quả/ha, nay chỉ chỉ còn 20 tấn/ha. Sau mùa vụ, trừ chi phí thì người trồng cà phê chúng tôi phải chịu âm vốn đầu tư”.

Các nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ những giải pháp để gỡ khó cho người trồng cà phê.

Theo Tiến sĩ Trương Hồng, quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, người trồng cà phê trong cả nước đang đối mặt với nhiều thách thức là biến đối khí hậu, diện tích cây già cỗi và giá cả bất ổn. Người nông dân cần tin tưởng và gắn bó với cây cà phê, thực hiện các giải pháp như đầu tư khoa học công nghệ, trồng xen canh các loại cây có giá trị kinh tế để nâng cao năng suất, chất lượng. Tuy nhiên, nhà quản lý và doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ người nông dân trong việc tái canh cây cà phê, bao tiêu sản phẩm, tránh tình trạng “được mùa mất giá”...

Phát biểu tại Đêm hội, Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao các nông dân điển hình xuất sắc trong sản xuất cà phê, góp phần phát triển ngành cà phê Việt Nam. Tham gia chương trình, các nông dân trồng cà phê được giao lưu, trao đổi thông tin với cơ quan quản lý và nhà khoa học về giải pháp nâng cao hiệu quả trồng cây cà phê.

“Người nông dân đã được chia sẻ những thông tin và kinh nghiệp bổ ích cho việc phát triển cây cà phê của các nhà khoa học, để áp dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Với sự vào cuộc của “4 nhà” (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông), những khó khăn của người trồng cà phê sẽ được giải quyết, vững tâm với loại cây trồng này”, ông Y Giang Gry Niê Knơng khẳng định.

Các nông dân tiêu biểu nhận Chứng nhận có thành tích xuất sắc.

Tại Đêm hội, Ban tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 tại Đắk Lắk tuyên dương, trao chứng nhận cho 30 nông dân tiêu biểu đến từ 10 tỉnh trồng cà phê đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất cà phê.
 
Việt Hoàng
Đêm hội vào mùa: Gỡ khó cho nông dân trồng cà phê
Đêm hội vào mùa: Gỡ khó cho nông dân trồng cà phê

Đêm 12/3, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) diễn ra chương trình “Đêm hội vào mùa” nhằm tôn vinh, khích lệ nhà nông gắn bó với cây cà phê. Các nhà khoa học, doanh nghiệp đã chia sẻ những giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng cây cà phê.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN