Để nhân dân hiểu sâu sắc hơn về Hiến pháp

Sáng 28/2, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Chủ trì hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Ủy viên Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nêu rõ: Hội nghị nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của các cán bộ, kiểm sát viên, công chức, viên chức trong toàn ngành vào việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đồng thời nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, kiểm sát viên, công chức, viên chức và từng cấp kiểm sát đối với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thi hành Hiến pháp. Hội nghị góp phần để nhân dân hiểu sâu sắc hơn về chế định VKSND trong Hiến pháp, từ đó đóng góp tích cực vào việc sửa đổi Hiến pháp nói chung và chế định VKSND nói chung.

Ngày 28/2/2013, tại TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh phối hợp với Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (Văn phòng Quốc hội) đã tổ chức Hội nghị "Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992".
Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN


Đề cập về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của VKSND, thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kiểm sát, VKSNDTC, cho biết: Quy định tại khoản 1, Điều 112, Dự thảo Hiến pháp về chức năng của VKSND cơ bản là phù hợp. Tuy nhiên, đối chiếu với các chức năng, nhiệm vụ mà Viện Kiểm sát đang đảm nhiệm và các yêu cầu mới về kỹ thuật lập hiến, quy định này cần được nghiên cứu để bổ sung cho phù hợp. Do vậy, đề nghị bổ sung khoản 1, Điều 112 theo hướng “Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hiện những nhiệm vụ khác do luật định”. Việc bổ sung quy định này chính là nhằm bảo đảm tính hợp hiến của các đạo luật do Quốc hội ban hành, đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra đối với hoạt động lập hiến, lập pháp trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời tránh những tranh luận không đáng có trong quá trình xây dựng các đạo luật trong lĩnh vực tư pháp thời gian tới.


*Cũng trong ngày 28/2, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cựu cán bộ Đoàn chủ chốt về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Trên cơ sở đánh giá sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này đặc biệt quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung các qui định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bộ máy nhà nước và các vấn đề khác..., nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ dẫn đến việc sửa đổi, bổ sung mang tính toàn diện, làm cơ sở cho việc sửa đổi các văn bản luật khác.


Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển đã nêu lên những băn khoăn của mình, khi dự thảo lần này có một nội dung rất quan trọng nhưng không được đề cập tới, đó là: Nhà nước, xã hội, gia đình chăm lo và tạo điều kiện cho thanh niên học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc, như đã quy định tại Điều 66 của Hiến pháp hiện hành.


Trên cơ sở dẫn chứng vai trò của tổ chức thanh niên trong các bản Hiến pháp trước, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Vũ Mão cho rằng, trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã bỏ đi Điều 66 của Hiến pháp hiện hành là không hợp lý. Đồng chí kiến nghị giữ lại Điều 66 Hiến pháp năm 1992, với nội dung được sửa đổi và bổ sung là: “1- Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc. 2- Thanh niên phải làm tròn nhiệm vụ lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 3- Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của thanh niên, vận động thanh niên thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước”.


* Ngày 28/2, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Ý kiến chủ yếu tập trung góp ý về các điều khoản liên quan tới giáo dục, đào tạo; bên cạnh đó, một số ý kiến cũng góp ý quanh một số vấn đề khác như quyền bình đẳng giữa các dân tộc, nghiên cứu khoa học và công nghệ, bình đẳng giới… Về cơ bản, các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí dự thảo sửa đổi, bổ sung; bản dự thảo đã giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và làm rõ hơn sự tiến bộ xã hội. Nhiều ý kiến tại hội nghị đề xuất Điều 66 cần bổ sung câu từ để thể hiện rõ hơn việc phát triển giáo dục không chỉ bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân mà tạo ra những con người có lòng yêu nước, có niềm tự hào dân tộc.


TTN

Để nhân dân hiểu sâu sắc hơn về Hiến pháp
Để nhân dân hiểu sâu sắc hơn về Hiến pháp

Sáng 28/2, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN