Đề nghị rà soát hệ văn bản quy phạm pháp luật về quản lý công chức, viên chức

Sáng 1/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Tư pháp về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016".

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Chưa có giải pháp đột phá trong sắp xếp, kiện toàn các đơn vị thuộc Bộ 

Báo cáo của Bộ Tư pháp về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước cho thấy, Bộ Tư pháp đã tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước.

Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ được thực hiện khá nền nếp; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Bộ đã có bước phát triển nhanh.

Các khâu trong quản lý, sử dụng cán bộ như tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện các chế độ chính sách được thực hiện bài bản, chặt chẽ theo đúng quy định và nhiều đổi mới.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng tuy việc triển khai kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy được thực hiện kịp thời, bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước nhưng vẫn chưa có những giải pháp đột phá trong việc sắp xếp, kiện toàn các đơn vị thuộc Bộ một cách tinh gọn, hợp lý.

Một số mảng công tác của Bộ còn phân tán, chưa có sự gắn kết giữa các đơn vị có liên quan thuộc Bộ. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhận định việc phân cấp quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ chưa kết hợp chặt chẽ, đồng bộ với việc đổi mới nội dung, phương thức quản lý và tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và giải quyết các công việc cho người dân.

Việc thực hiện biên chế của ngành còn chậm, số lượng tinh giản biên chế còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu. Theo thống kê năm cao nhất mới đạt 41,51% chỉ tiêu tinh giảm biên chế công chức và 17,24% chỉ tiêu tinh giản biên chế viên chức; có đơn vị có số lượng cấp phó vượt quá số lượng so với quy định...

Chỉ rõ những vướng mắc trong ban hành văn bản pháp luật 

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước, Bộ Tư pháp đề xuất các nhóm giải pháp về thể chế, chính sách; về tổ chức thực hiện và nguồn lực.

Bộ đề nghị Chính phủ và Bộ Nội vụ nghiên cứu, tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý công chức và quản lý viên chức để bổ sung, hoàn thiện bảo đảm đầy đủ, phù hợp với Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, đặc biệt là ban hành các quy định mới có tính đột phá về tuyển dụng và thu hút người có năng lực, kinh nghiệm công tác.

Qua đó, tạo cơ sở cho việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức và xây dựng đội ngũ chuyên gia của các cơ quan, đơn vị.

Qua nghe báo cáo từ Bộ Tư pháp, Đoàn giám sát đánh giá việc ban hành văn bản pháp luật của Bộ trong giai đoạn 2011-2016 để thể chế chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước nhìn chung kịp thời, đầy đủ, đúng thẩm quyền; chưa phát hiện văn bản có dấu hiệu vi phạm bị cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét lại hoặc bị bãi bỏ, phá hủy.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Đoàn giám sát thấy rằng Báo cáo của Bộ chưa đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành văn bản của Bộ để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tổ chức bộ máy hành chính của Bộ. Đoàn giám sát đề nghị Bộ Tư pháp cần có những đánh giá cụ thể hơn về nội dung liên quan tới việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Thành viên Đoàn giám sát Lê Xuân Thân và nhiều ý kiến khác trong Đoàn giám sát thấy rằng, việc phân cấp, phân quyền giữa Bộ Tư pháp với chính quyền địa phương chưa được đánh giá, nhận xét trong việc bảo đảm tính hiệu quả, thống nhất đối với hoạt động quản lý, điều hành khi triển khai Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan để có các hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện cơ chế phân cấp.

Các ý kiến chỉ ra rằng, Báo cáo của Bộ chưa đánh giá rõ về việc tổ chức bộ máy hành chính đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa...

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Khắc phục bất cập khi ban hành văn bản pháp luật
Khắc phục bất cập khi ban hành văn bản pháp luật

Sáng 27/11, Quốc hội thảo luận về Luật Ban hành văn bản pháp luật. Các nội dung về thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, xử lý tình trạng nợ đọng văn bản kéo dài được nhiều đại biểu quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN