Đề nghị quy định cụ thể danh mục hàng hóa cấm xuất, nhập khẩu

Sáng 14/9, tiếp tục phiên họp thứ 3 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã cho ý kiến về dự án Luật quản lý ngoại thương. Theo các đại biểu, cần thiết quy định cụ thể danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu trong luật này.


Dự án Luật Quản lý ngoại thương sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016) và thông qua vào kỳ họp thứ 3 (tháng 3/2017). Theo tờ trình của Chính phủ, Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa thể hiện rõ yêu cầu hội nhập, công tác quản lý nhà nước về ngoại thương chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO cùng nhiều các hiệp định thương mại tự do khác (như Liên minh kinh tế Á Âu, Cộng đồng kinh tế ASEAN, EVFTA, TPP…). Do đó, dự án Luật phải được hoàn thiện để phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới.


Trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo luật này, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định cụ thể Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu tại Điều 10dự thảo Luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cao, minh bạch, ổn định, dễ áp dụng, việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân được thể hiện ngay trong luật, phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ tính phù hợp, ổn định của các mặt hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu trong những năm vừa qua và rà soát cụ thể từng mặt hàng, đảm bảo phù hợp với thực tế, áp dụng ổn định, thực hiện đúng các cam kết quốc tế.


Có ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, nhằm bảo đảm tính linh hoạt, chủ động trong quản lý, điều hành phù hợp với từng thời kỳ. Có ý kiến đề nghị Danh mục này nên để Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành theo ủy quyền của Quốc hội dưới hình thức là Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Có ý kiến đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát chi tiết Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp 2013 và thống nhất với các luật, pháp lệnh khác.


Về việc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa (Điều 13 và Điều 14), đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa vì việc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu có liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau. Đồng thời, đề nghị quy định rõ các trường hợp áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và có sự phân biệt với các trường hợp áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; quy định rõ thời hạn áp dụng các biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tính minh bạch và khả thi; bổ sung quy định nguyên tắc, thẩm quyền, định tính, định lượng cụ thể đối với tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu như quy định đối với cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu. Có ý kiến tán thành với dự thảo Luật, quy định Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan.


Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chúng ta đã ban hành Luật đầu tư, những gì cấm đã quy định trong luật. “Chỉ có luật mới có quyền hạn chế quyền tự do kinh doanh, trong khi hạn chế những hàng hóa xuất khẩu hay nhập khẩu thực chất là hạn chế quyền tự do kinh doanh. Vậy nếu không quy định danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu trong luật này mà giao cho Chính phủ quy định thì có đúng với tinh thần của Hiến pháp hay không, nên chăng chúng ta rà soát đề quy định trong luật này để minh bạch”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi.


Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Vũ Trọng Việt phát biểu ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Vũ Trọng Việt cũng cho rằng, thực tế có những quy định trong luật không đi vào đời sống. Vì vậy, phải làm thế nào để tất cả những cái cơ bản thì đưa vào luật nhưng luật vẫn phải có những khoảng cách cơ động, linh hoạt để khi thực hiện không bị vướng. “Vì thế việc quy định danh mục hàng hóa dừng nhập khẩu, theo tôi nên giao cho Bộ trưởng chứ nếu đưa vào luật thì không nên”, ông Vũ Trọng Việt đề xuất.


Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, trong quá trình xây dựng dự án luật, cơ quan soạn thảo đã lấy ý kiến các cơ quan cấp bộ, cơ quan ngang bộ và các tổ chức liên quan. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 đã thảo luận về dự án luật này. Theo đó, Chính phủ cũng đã thảo luận hai phương án: Phương án một là giao cho Chính phủ ban hành quyết định, áp dụng và ban hành danh mục, phương án hai là giao Thủ tướng Chính phủ quyết định, áp dụng và giao cho Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành danh mục. Chính phủ đã lựa chọn phương án hai vì quy định như vậy sẽ đảm bảo tính linh hoạt trong quản lý, điều hành và tính năng động của thị trường và hội nhập hiện nay.

Xuân Phong
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN