Đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Sáng 28/7, ông Nguyễn Xuân Cường đã được Quốc hội phê chuẩn giức chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thay ông Cao Đức Phát.Nhân dịp này, tân Bộ trưởng đã chia sẻ với báo chí về các ưu tiên của ngành nông nghiệp trong nhiệm kỳ của mình.

Chúc mừng ông trên cương vị công tác mới.  Xin ông cho biết những ưu tiên của ông đối với ngành nông nghiệp trong nhiệm kỳ của mình là gì? 

Trước yêu cầu phát triển của ngành trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu, rộng, đòi hỏi ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn.

Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2016, Bộ sẽ chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh sản xuất, nhất là những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp để bù lại cho thiệt hại ngành trồng trọt trong 6 tháng đầu năm do hạn hán, xâm nhập mặn. Trong lĩnh vực trồng trọt, cần chỉ đạo sát sao, cụ thể để phát triển sản xuất, khắc phục tăng trưởng âm thời gian qua, nhất là trên những đối tượng cây trồng chủ lực là lúa, cà phê, hồ tiêu, rau quả,… Chú trọng bảo vệ phát triển rừng vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và rừng ngập mặn ven biển. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường, mở rộng thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Nguyễn Xuân Cường, tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Về lâu dài, phải tập trung thực hiện Đề án về tái cơ cấu nông nghiệp và 6 đề án tái cơ cấu theo ngành, lĩnh vực đã được Bộ phê duyệt, đề án của các địa phương; tổ chức lại nền nông nghiệp của nước ta theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, sản xuất theo chuỗi giá trị. Khẩn trương rà soát quy hoạch, phát huy lợi thế so sánh của các vùng trong cả nước. 

Tiếp tục rà soát về thể chế, chính sách để phù hợp với thực tiễn, khuyến khích sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tổ chức lại sản xuất, coi doanh nghiệp là “đầu tàu” trong liên kết, trong đó quan tâm đến lợi ích của nông dân; củng cố, phát triển HTX mới theo Luật HTX 2012 đã ban hành; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, nhất là giống và công nghệ sinh học vào sản xuất. Ngoài ra, quan tâm đặc biệt đến thị trường tiêu thụ nông sản cả trong và ngoài nước.

Vệ sinh an toàn thực phẩm đã trở thành mối lo thường trực của người dân. Bộ Nông nghiệp sẽ có những giải pháp cụ thể gì để cải thiện tình trạng mất an toàn thực phẩm trong giai đoạn tới?

Thực phẩm không an toàn không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà lâu dài còn ảnh hưởng đến nòi giống và uy tín các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu có thế mạnh của Việt nam. Do vậy an toàn thực phẩm (ATTP) đã và đang được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm.
Trước mắt, bộ sẽ tập trung nguồn lực thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ giao cho Ngành Nông nghiệp theo Luật An toàn thực phẩm và các quy định về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 13/2016/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý nhà nước về ATTP. 
Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ ngành liên quan triển khai tuyền truyền, vận động và giám sát ATTP. Công khai các cơ sở vi phạm, sản phẩm không đảm bảo ATTP, tăng cường truyền thông, quảng bá đến người dân các nông sản thực phẩm an toàn, các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn…

Tăng cường giám sát, thanh tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương trong kiểm soát ngăn chặn sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc BVTV, kháng sinh, hoá chất công nghiệp trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.

Về dài hạn, rà soát, đề xuất điều chỉnh thể chế và thiết chế quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng đơn giản hóa các qui định, thủ tục, qui chuẩn kỹ thuật phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi quản lý, đảm bảo ATTP.
 
Giá trị xuất khẩu nông lâm, thủy sản luông đạt giá trị cao nhưng nông dân, những người sản xuất trực tiếp lại đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Bộ trưởng có suy nghĩ gì về điều này?
 
Thực tế cho thấy, hưởng lợi chủ yếu là các doanh nghiệp FDI thu lợi nhuận trong giai đoạn chế biến sâu, thương mại, xuất khẩu. Để giảm thiểu khó khăn, nâng cao thu nhập, đời sống người sản xuất lâm nghiệp, thủy sản, trong thời gian tới Bộ sẽ tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả hơn. Liên kết các tổ chức, cá nhân trong các công đoạn để xây dựng các chuỗi giá trị, các sản phẩm chủ lực. Lấy doanh nghiệp làm nòng cốt nhưng quan tâm đặc biệt đến vai trò, lợi ích của người trực tiếp.  Hạn chế các khâu trung gian để giảm chi phí, vật tư đầu vào như thức ăn, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản, xăng dầu... Đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các nông lâm trường quốc doanh theo chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ, các phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tạo điều kiện hơn nữa về đất đai cho người trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng.

Hướng dẫn người dân áp dụng các công nghệ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, mang lại lợi nhuận cao hơn. Tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Huy động các nguồn lực để đầu tư vào lâm nghiệp, thủy sản, trong đó quan tâm đến phát triển hạ tầng sản xuất; sản xuất nguyên liệu phụ trợ phục vụ sản xuất, xuất khẩu; phát triển các cơ sở chế biến, dịch vụ để mang lại điều kiện tốt hơn cho người dân phát triển sản xuất.

Rà soát, tổ chức lại bộ máy để hướng đến mục tiêu phục vụ tốt hơn cho người sản xuất và doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản cả trong và ngoài nước.

Cảm ơn Bộ trưởng.

H.V
Tái cơ cấu nông nghiệp trong tình hình mới
Tái cơ cấu nông nghiệp trong tình hình mới

Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, các đại biểu đề nghị Chính phủ mới cần tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN