Đầy đủ hàng hóa phục vụ Tết

Chỉ còn hơn một tuần nữa là nhân dân ta sẽ vui đón Tết cổ truyền của dân tộc - Tết Nhâm Thìn. Theo thông báo của Sở Công thương các tỉnh, đến thời điểm này, các đơn vị được phân công đã chuẩn bị đầy đủ, chu đáo hàng hóa, thực phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. So với mọi năm, giá cả năm nay tuy có tăng nhưng ít biến động.

Đảm bảo hàng hóa trong dịp Tết

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dự kiến dịp Tết Nguyên đán 2012, nhu cầu tiêu dùng của người dân thủ đô sẽ tăng từ 20 - 22% so với các tháng khác trong năm. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa trong tháng Tết ước đạt khoảng 24.000 tỷ đồng. Sức mua tăng, giá cả của nhiều mặt hàng có khả năng bị đội lên. Để giữ mặt bằng giá tương đối ổn dịnh, Hà Nội đã chi 475 tỷ đồng cho các DN tham gia chương trình bình ổn giá với lãi suất 0% để dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu như gạo trắng, thịt lợn; thịt gà, vịt; trứng… Căn cứ vào nhu cầu của thị trường các đơn vị đều đã có kế hoạch dự trữ các nhóm hàng tiêu dùng khác như bánh mứt kẹo, rượu bia phục vụ nhân dân đón Tết.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội thì cho biết, các mặt hàng cần thiết đã được dự trữ đầy đủ. Đối với các mặt hàng như bánh kẹo… giá sẽ tăng từ 5 - 10%. Nhưng đối với các thủy sản, rau củ quả, gà trống… từ 23 âm lịch trở đi mức giá có thể tăng tới 30% so với trước đó. Mức tăng này thấp hơn so với năm trước.

Khách hàng chọn mua các mặt hàng bánh mứt kẹo phục vụ Tết.
Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Cũng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, các DN tham gia chương trình bình ổn giá ở Thủ đô sẽ có trên 653 điểm bán khắp 29 quận huyện. Đối với các doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn, Sở yêu cầu tập trung khai thác, dự trữ và tổ chức bán 9 nhóm hàng thiết yếu. Cụ thể, gạo trắng 6.400 tấn; thịt lợn 1.350 tấn; gà vịt 500 tấn; 8 triệu quả trứng gia cầm... với tổng giá trị tiền hàng 475 tỷ đồng.

Tết năm nay, Hà Nội cũng tổ chức 19 chợ hoa, 24 chợ hoa kết hợp nông sản thực phẩm (trong đó, nội thành 16 điểm, ngoại thành 27 điểm). Theo đó, chợ hoa, chợ nông sản sẽ hoạt động từ ngày 14/1 đến 20 giờ ngày 22/1. Quận Tây Hồ là nơi tổ chức nhiều chợ hoa nhất, gồm: chợ hoa tổ chức ở đường vào Công viên nước, chợ hoa tại vỉa hè tuyến đường Nguyễn Hoàng Tôn kéo dài, chợ hoa trong khuôn viên chợ Quảng An, chợ hoa tại khu vực đường kè Hồ Tây. Quận Cầu Giấy tổ chức chợ hoa và nông sản thực phẩm tại sân vận động Nghĩa Tân; chợ hoa nông sản thực phẩm tại đường Lê Đức Thọ kéo dài. Quận Long Biên: Chợ hoa nông sản thực phẩm tại khu đất trống 2.050m2 gần đường 40m. Quận Thanh Xuân: Chợ hoa, nông sản thực phẩm tại khu vực sân chơi phía sau UBND phường Kim Giang; chợ hoa và nông sản thực phẩm tại khuôn viên sân bóng Công ty Cơ khí Hà Nội; chợ hoa tại khu vực vỉa hè tại đường Hoàng Minh Giám…

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân bắt đầu đi mua sắm để chuẩn bị một cái Tết đầm ấm, đủ đầy. Nhờ thành công của chương trình vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Tết năm nay sản phẩm do các DN Việt Nam sản xuất đã góp mặt trong hầu hết gia đình.

Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, đến nay thành phố đã phát triển gần 4.300 điểm phân phối các mặt hàng bình ổn, tăng hơn 1.000 điểm so cùng kỳ, trong đó riêng chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã có tới 2.546 điểm bán. Hiện các điểm phân phối đã dự trữ lượng hàng hóa dồi dào, sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Hiệp hội lương thực - thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, các DN trên địa bàn đã hoàn thành việc chuẩn bị những mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết. Theo kế hoạch, các DN hội viên sẽ cung cấp 1,8 triệu sản phẩm nước tương, tương ớt; 500.000 sản phẩm nước mắm; 800 triệu gói mì sợi các loại... ra thị trường. Lượng hàng các siêu thị, DN… dự trữ cho những ngày Tết Nguyên đán tăng 15-20% so với cùng kỳ, trong đó hơn 90% là hàng sản xuất trong nước. Trong nỗ lực bình ổn giá thị trường, trong đó ưu tiên tập trung ở các quận vùng ven và các huyện ngoại thành, TP Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho 4 đơn vị bao gồm: Thành đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Saigon Co.op và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn triển khai các mạng lưới phân phối, đưa hàng hóa đến tay người dân. Khảo sát sơ bộ, hiện Thành đoàn đã triển khai 15 cửa hàng và tổ chức 50 chuyến bán hàng lưu động; Hội Phụ nữ phát triển thêm 400 điểm bán hàng bình ổn, trong đó 294 điểm bán tại các chợ truyền thống… Cùng với việc mở rộng mạng lưới cung ứng, các đơn vị sẽ cùng phối hợp tổ chức những “Phiên chợ Thanh niên”, “Hội chợ Xuân”… bán hàng bình ổn, bán hàng Việt Nam chất lượng cao với giá ưu đãi ở các khu vực xa trung tâm thành phố.

Tại Đà Nẵng, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịp Tết Nhâm Thìn cũng đã bắt đầu tăng nhanh. Sở Công thương thành phố Đà Nẵng cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn các siêu thị và chợ đóng trên địa bàn thành phố đã dự trữ gần 20 nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân mua sắm Tết, tổng giá trị của đợt dự trữ lên đến 475 tỷ đồng. Hơn 5.400 hộ kinh doanh tại các chợ lớn và các siêu thị đóng trên địa bàn thành phố đã cam kết với Sở sẽ bán sản phẩm đúng với giá quy định của các nhà sản xuất.

Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng tổ chức các đợt bán hàng bình ổn giá tại các khu công nghiệp và các xã miền núi của huyện Hoà Vang. Mỗi chuyến bao gồm hơn 500 mặt hàng với tổng trị giá trên 300 triệu/chuyến, những mặt hàng có giá giảm hơn thị trường từ 5-15% và nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết giảm giá từ 5-49%. Ngoài ra, siêu thị Co.op Mart còn triển khai “Tết Việt đến mọi nhà” với 1.200 sản phẩm được khuyến mãi đến 45%.

Tại siêu thị Big C, lượng hàng hóa phục vụ Tết chiếm tới 90% là hàng Việt. Qua khảo sát, các sản phẩm: Bánh mứt kẹo,...mang thương hiệu Việt như: Kinh Đô, Orion, Bibica, Hải Hà,... được đa số người tiêu dùng tin cậy lựa chọn. Siêu thị này cũng đã mở đợt bình ổn các mặt hàng phục vụ Tết với số lượng lên tới 3.000 sản phẩm giảm đến 50% so với giá gốc.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong tháng 12/2011 và tháng 1/2012, sản lượng thịt lợn tăng khoảng 10%. Hiện mỗi tháng lượng thịt lợn trong nước sản xuất được khoảng 240.000 tấn thịt xẻ; lượng thịt lợn nhập khẩu là khoảng 115.000 tấn. Bên cạnh đó, giá thực phẩm trong thời gian qua tương đối ổn định.

Giá cả sẽ ít biến động

Những ngày này và cận Tết Nguyên đán sẽ là thời điểm sức mua của người dân tăng mạnh, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết nên giá thường tăng. Tuy nhiên năm nay, khảo sát tại các chợ truyền thống cho thấy, sức mua ở thời điểm hiện tại thấp hơn khoảng 15 - 20% so với cùng thời điểm năm 2011 và theo nhiều tiểu thương, dù từ nay đến Tết sức mua có tăng mạnh thì lượng bán vẫn thấp hơn năm ngoái, khó có thể xảy ra hiện tượng cháy hàng. Trong khi đó tại các DN tham gia chương trình bình ổn của các tỉnh, lượng hàng dự trữ đa số đều tăng so với cùng kỳ.

Người dân mua sắm tại siêu thị Coopmart Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN


Bà Lê Ngọc Đào – PGĐ Sở Công Thương TP.HCM cho biết: Hiện các DN tham gia bình ổn giá tại TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ các ngày Tết Nguyên đán. Khảo sát sơ bộ cho thấy, hàng hóa các DN dự trữ trị giá hơn 5.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 30-40% nhu cầu thị trường và đảm bảo giá rẻ hơn bên ngoài khoảng 5 -10%. Nhiều đơn vị tham gia chương trình bình ổn đã chuẩn bị nguồn hàng tăng gấp 3 - 4 lần so với lượng được giao. Hiện nay Sở Công Thương đang tổ chức khoảng 3.000 điểm bán hàng, phát triển thêm gần 900 điểm bán hàng bình ổn thị trường tại 151 chợ truyền thống, cơ bản rút ngắn khoảng cách giữa các điểm, góp phần đảm bảo nhu cầu mua hàng bình ổn của người dân. Sở đã có kế hoạch cụ thể, kết hợp với quận huyện, tổ chức các điểm bán hàng Tết, phiên chợ hàng Việt và tổ chức các hội xuân. Riêng hệ thống Sài Gòn Co.op và cửa hàng tiện ích lớn của chương trình bình ổn sẽ kéo dài thời gian mở cửa trong ngày hơn so với thông thường và sẽ bắt đầu hoạt động trở lại vào sáng mùng 2 Tết để giảm áp lực dự trữ hàng cho người dân.

Theo các chuyên gia kinh tế, do từ đầu năm tới nay nhiều mặt hàng đã tăng giá quá cao nên sẽ khó tăng giá thêm vào dịp Tết. Bên cạnh đó, những tháng cuối năm, thời tiết thuận lợi cho việc sản xuất các mặt hàng tươi sống nên nhiều nhóm hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt gia súc… đang dồi dào, giá cả khó tăng cao. Ngoại trừ giá thịt bò và hải sản tăng nhẹ, hiện giá thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thực phẩm… vẫn giữ nguyên mức giá ổn định. Do thời điểm cuối năm, nhiều DN đang đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, hạ giá sản phẩm nhằm giải phóng hàng, thu hồi vốn nên nhiều mặt hàng quần áo, hóa mỹ phẩm, điện tử... đang có xu hướng giảm giá. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cửa hàng này, mặc dù giá giảm nhưng lượng hàng bán ra cũng không tăng nhiều.

Ưu tiên đưa hàng Việt phục vụ Tết vùng nông thôn

Ngoài việc cung ứng đủ hàng hóa cho người dân tại các vùng đô thị lớn, các địa phương còn quan tâm tới việc đưa hàng về phục vụ vùng nông thôn cũng như thực hiện nhiều chương trình tặng quà nhằm tạo mọi điều kiện để hỗ trợ giúp đỡ người dân có điều kiện đón một cái Tết cổ truyền đầm ấm vui tươi.

Tỉnh Cà Mau đang thực hiện việc ưu tiên đưa hàng Việt Nam, trong đó có hàng chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế về phục vụ người tiêu dùng nông thôn nhân dịp Tết Nhâm Thìn. Trong tổng số hơn 10.000 mặt hàng được ngành công thương tỉnh đưa về phục vụ người tiêu dùng nông thôn, đa số là hàng Việt, hàng nhập khẩu chiếm tỷ lệ không đáng kể. Mặc dù còn mới, nhưng nhìn chung hàng Việt Nam đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng khu vực nông thôn, bởi chất lượng sản phẩm tốt, điển hình như các mặt hàng kim khí, điện máy. Một ưu thế khác là hàng Việt Nam giá thấp hơn nhiều so với hàng nhập khẩu, phù hợp với điều kiện của người có thu nhập trung bình. Hơn nữa, bà con có thể mua hàng trả góp tại các đại lý, cửa hàng bán lẻ.

Tỉnh Phú Yên đã tổ chức trao quà của Chủ tịch nước và trích ngân sách tặng các gia đình chính sách với tổng kinh phí hơn 13,6 tỷ đồng. Hơn 10 tỷ đồng ngân sách tỉnh tặng quà cho 24.867 hộ gia đình chính sách và các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh. Nhân dịp này, các địa phương cũng trích ngân sách đến thăm và tặng quà cho các gia đình và huy động các lực lượng đến sửa chữa nhà ở cho các gia đình và tu sửa lại các nghĩa trang liệt sỹ.

Tỉnh Hưng Yên cũng đã tổ chức tặng gần 38.000 suất quà với tổng giá trị hơn 11 tỉ đồng cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và những người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. Trong đó, Đoàn lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà cho 20 gia đình chính sách tiêu biểu, mỗi suất quà trị giá 700 nghìn đồng. Tỉnh cũng tổ chức các đoàn đến thăm và tặng quà trị giá 3.000.000 đồng cho Trung tâm điều dưỡng thương binh Lạng Giang (Bắc Giang), Thuận Thành (Bắc Ninh), Duy Tiên (Hà Nam), Nho Quan (Ninh Bình), Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Ân Thi, Trung tâm điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên và Quân y viện 7 (thành phố Hải Dương). Đây là những địa chỉ có thương, bệnh binh, người có công là người Hưng Yên đang được nuôi dưỡng, chăm sóc.

Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng đã vận động các nhà tài trợ, các DN và các nhà hảo tâm tổ chức nhiều hoạt động thăm và tặng hơn 300 suất quà Tết cho các hộ nghèo của thành phố gồm các nhu yếu phẩm phục vụ ngày Tết như gạo, dầu ăn, chăn, màn..., tặng gần 100 suất quà cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đà Nẵng với tổng số tiền trị giá gần 150 triệu đồng. Ngoài ra, để đảm bảo lượng máu dự trữ cho các bệnh viện trên địa bàn trong dịp Tết, hội đang vận động các DN, trường học và các cơ quan hiến khoảng 3.000 đơn vị máu để sẵn sàng cứu chữa người bệnh.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Việt kiều Mỹ tổ chức trao tặng 200 suất quà, đồng thời khám chữa răng miễn phí cho hơn 200 đồng bào dân tộc Vân Kiều tại huyện miền núi dân tộc Đắkrông (Quảng Trị). Ngoài ra, đoàn đã thăm hỏi và trao tặng 200 suất quà, mỗi suất trị giá 200.000 đồng bao gồm các mặt hàng như: gạo, dầu ăn, bột ngọt… tới tận tay những hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh neo đơn, đặc biệt khó khăn của huyện khi Tết đến Xuân về.

Tư Nguyên - Thành Hiển (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN