Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV:

Đầu tư dàn trải, không hiệu quả sẽ dẫn đến mất an toàn nợ công

Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đã bày tỏ nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề xử lý nợ công.

Đại biểu Trần Anh Tuấn trao đổi với phóng viên.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) cho biết, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ ngắn hạn tăng là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế. Một trong những nguyên nhân là do quản lý nợ công còn nhiều bất cập, phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao. 

Bài toán đặt ra, nếu như nợ công ngày càng tăng để bù đắp cho đầu tư mà đầu tư không sinh lời, không mang lại phát triển kinh tế nhanh thì nợ công ngày càng lớn. Nợ công tăng dẫn tới áp lực phải trả cả lãi lẫn gốc theo tiến độ cam kết. Đây là gánh nặng lên nền kinh tế và người dân và sức ép nợ công ngày càng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với nền kinh tế.

Hiện nay, quy mô nợ công đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng là rất lớn. Do vậy, theo đại biểu Trần Anh Tuấn, cần lưu ý những khoản nợ công Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp đầu tư cho cơ sở hạ tầng phải quản lý chặt chẽ. Nợ công sẽ rất nguy hiểm nếu như chúng ta sử dụng không hiệu quả và lãng phí sẽ dẫn đến gánh nặng cho nền kinh tế.

“Để hạn chế nợ công, cần phải nâng cao hiệu quả đầu tư, đưa nguồn vốn đầu tư vào những nơi mang lại sức bật cho nền kinh tế, chẳng hạn như các vùng kinh tế trọng điểm. Tái cấu trúc nền kinh tế phải toàn diện, những khu vực nào đóng góp cho nền kinh tế có hiệu quả thì cần đưa nguồn lực vào đó, tạo sức lan tỏa sau đó có thặng dư về nguồn lực mới bố trí cho vùng khác mới giảm áp lực nợ công và đảm bảo sự phát triển tăng trưởng kinh tế”, đại biểu Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Còn đại biểu Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để quản lý nợ công cần lưu ý đến 2 chính sách là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Chính sách tiền tệ liên quan đến huy động, vay các nguồn lực từ nước ngoài và chính sách tài khóa có trách nhiệm sử dụng các nguồn vốn này như thế nào, trả nợ như thế nào cho hiệu quả.

Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh) trao đổi với phóng viên.

“Theo tôi, nên phân công cho Bộ Tài chính vừa đàm phán tiếp nhận các nguồn vốn nước ngoài, vừa vận dụng nguồn vốn này đầu tư vào hạ tầng, đầu tư công, sau đó tính toán các dòng tiền có thể trả nợ. Thống nhất về một bộ như vậy sẽ thuận lợi để quản lý nợ công. Nếu phân công một bên là Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ, một bên là Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính về chính sách tài khóa, như vậy phải có sự thống nhất về nội dung liên quan khi tiếp nhận nợ công”, ông Quốc đề xuất.

Cùng với đó, ông Quốc cũng nhấn mạnh đến việc quản lý các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh sao cho hiệu quả. Các dự án có quyết định đầu tư thì hạn chế tối đa tăng tổng dự toán lên, thực hiện các pháp luật liên quan đầu tư một cách chuẩn mực, công khai hiệu quả thật sự khi đầu tư công.

Bên cạnh đó, theo các đại biểu, năng lực của một số chủ dự án còn hạn chế; vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công, vốn vay công. Do đó, phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công, gắn trách vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng nợ công...một cách rõ ràng hơn.

Trang Thu/Báo Tin Tức
Giai đoạn 2016 - 2018, nợ công không được quá 65% GDP
Giai đoạn 2016 - 2018, nợ công không được quá 65% GDP

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016-2018 với mục tiêu nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN