Đầu tư công trung hạn có trọng tâm, trọng điểm 

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 2/11, Quốc hội đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024... Phiên thảo luận thu hút sự quan tâm của cử tri tỉnh Lâm Đồng, Kiên Giang.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cử tri hai địa phương đánh giá cao công tác điều hành của chủ tọa cũng như chất lượng ý kiến được đại biểu nêu ra tại phiên thảo luận. Các đại biểu có sự chuẩn bị kỹ nội dung phát biểu, thẳng thắn, đúng trọng tâm đối với những vấn đề dư luận cả nước quan tâm.

Theo dõi sát phiên thảo luận, cử tri đánh giá cao sự tranh luận, ý kiến thẳng thắn của các đại biểu chỉ ra bất cập, thách thức về công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Cử tri Võ Thanh Xuân, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy - Giám đốc Trường Chính trị huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang cho biết, ông rất tán thành với các ý kiến của đại biểu Quốc hội về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, ông nhất trí cao ý kiến phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu lên 5 giải pháp thực hiện tốt hơn thời gian tới.

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy - Giám đốc Trường Chính trị huyện Vĩnh Thuận mong muốn, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc đầu tư công trung hạn phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, vùng động lực, dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng...

Bên cạnh đó tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, cơ quan chuẩn bị đầu tư dự án, thẩm định dự án; thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, bảo đảm chất lượng; chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết có thể thực hiện ngay sau khi được giao kế hoạch vốn theo quy định và bảo đảm tiến độ thực hiện dự án được phê duyệt, chất lượng theo yêu cầu; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Cử tri đề nghị siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Còn cử tri Nguyễn Văn Minh, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Kiên Giang cho rằng, Nhà nước cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng…vì một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng.

Lãnh đạo bộ, ngành, UBND tỉnh trực tiếp phụ trách từng nhóm dự án cụ thể để kiểm tra đôn đốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; chủ động, linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn khi thực hiện dự án, chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công.

Đồng quan điểm, cử tri Bon Yo Soan, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng nhận định, nhiều ý kiến của các đại biểu đều thẳng thắn nêu rõ bất cập, khó khăn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công trung hạn trong giai đoạn hiện nay. Điều này phản ánh đúng tình hình thực tế đang diễn ra tại nhiều địa phương, trong đó có Lâm Đồng. Theo ông Bon Yo Soan, để khắc phục tồn tại này cần có sự vào cuộc, chung tay của các bộ, ngành, địa phương nhằm “cởi trói” những thủ tục hành chính không cần thiết. Qua đó triển khai kịp thời dự án, công trình phục vụ nhân dân, đặc biệt ở nơi vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quan tâm đến vấn đề thực hiện ngân sách, cử tri Trần Thị Vũ Loan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho rằng, mức thu ngân sách hiện nay đang khá khả quan. Cử tri đồng tình với một số đại biểu về kiến nghị cần có “đòn bẩy” cho công tác thu ngân sách tại địa phương. Ví dụ, mỗi địa phương sẽ chọn một mũi nhọn kinh tế đặc thù, từ đó có giải pháp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách qua những dịch vụ liên quan. Điển hình như Đà Lạt có mũi nhọn về du lịch, có thể xây dựng các dịch vụ, mô hình đi kèm như phát triển kinh tế đêm, dịch vụ du lịch khám phá văn hóa, trang trại, du lịch chất lượng cao… nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với địa phương, tạo ra nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Lê Sen - Nguyễn Dũng (TTXVN)
Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV: Nhiều giải pháp tổng thể cho tăng trưởng
Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV: Nhiều giải pháp tổng thể cho tăng trưởng

Sáng 2/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường nhiều nội dung về phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN