Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về dân tộc, đây là cơ hội lớn để các địa phương có nhiều điều kiện chăm lo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương có cơ sở pháp lý, bố trí, khai thác nhiều nguồn lực, tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Bài 1: Còn nhiều khó khăn
Đầu tư hạ tầng thiết yếu là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trên cơ sở nguồn lực của Chương trình cùng sự nỗ lực của các địa phương khu vực phía Nam, đến nay các địa phương đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, cần sự phối hợp giải quyết từ Trung ương đến địa phương.
Nhiều bất cập
Theo Ủy ban Dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của khu vực phía Nam có 308 xã (chiếm gần 9% xã được phân định của cả nước) tại 13 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) với trên 1,7 triệu người (chiếm khoảng 10% dân số toàn vùng). Phần đông đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây sinh sống ở vùng không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp và đối diện với nguy cơ cao của tác động biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, hạn hán.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Tổ trưởng Tổ công tác về Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi nhận định, đến giữa năm 2022, kế hoạch vốn ngân sách trung ương mới được giao thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nên việc phân bổ vốn tại các địa phương chậm, ảnh hưởng đến công tác giải ngân, nhất là đối với các dự án quy mô lớn.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2023, khu vực phía Nam được giao tổng số vốn thực hiện Chương trình trên 2.700 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các địa phương chỉ giải ngân được hơn 701,6 tỷ đồng, đạt gần 26%. Nhu cầu nguồn lực để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) rất lớn, nhất là vốn đầu tư phát triển. Tuy nhiên trên thực tế, việc lồng ghép các nguồn vốn thực hiện bị hạn chế bởi các quy định về địa bàn thực hiện, nhiều địa phương trong khu vực gặp khó về xác định sự trùng lặp “địa bàn”, dẫn đến khó khăn trong việc lập, xây dựng kế hoạch.
Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành có liên quan tại địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, tham mưu cấp có thẩm quyền rà soát, sửa đổi bổ sung còn những hạn chế, khó khăn, tồn tại, việc ban hành một số văn bản còn chậm, chưa kịp thời…
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, lãnh đạo các tỉnh, thành phía Nam nhận định là do những ảnh hưởng của dịch COVID-19 và ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết khí hậu đến sản xuất, đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã khu vực III trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2021 được phân định là xã khu vực I theo Quyết định 861/QĐ–TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ (không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước) đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại những địa bàn này còn cao, công tác giảm nghèo đã đạt được kết quả nhất định nhưng chưa thực sự bền vững.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, Chương trình có quy mô lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc thẩm quyền trách nhiệm quản lý của nhiều ngành, nên khó tránh khỏi những vấn đề phát sinh về quy định, nội dung hướng dẫn trong quá trình hoàn thiện cơ chế chính sách. Hiện nay, còn thiếu đồng bộ và chưa đầy đủ hướng dẫn thực hiện cụ thể đối với cơ chế lồng ghép nguồn lực, phân cấp phân quyền trong quy định tại Luật, văn bản pháp lý được ban hành từ cấp Trung ương. Vì vậy, nhiều địa phương lúng túng, vướng mắc trong thực tiễn triển khai chính sách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cũng nhận định quá trình xây dựng, hoàn thiện kéo dài, dẫn đến tính chính xác của nhiều thông tin, số liệu được rà soát, lập từ thời điểm xây dựng chính sách đến khi ban hành không phù hợp, hoặc thay đổi nhu cầu đầu tư theo đối tượng, nội dung.
Tín hiệu khả quan
Mặc dù Chương trình mới được đưa vào thực hiện tại các địa phương từ nửa cuối năm 2022, song bằng sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trong thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác, một số chi tiêu ước đến ngày 31/12/2023 hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao. Đó là tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc, đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh chiếm hơn 35% dân số, trong đó nhiều nhất là dân tộc Khmer. Đến nay, 100% số xã của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm; 100% khóm, ấp có điện lưới quốc gia; gần 86% xã, phường có nhà văn hóa và trên 88% khóm, ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng phát thanh - truyền hình, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân; 98% số hộ dân, vùng dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
An Giang có 28 dân tộc thiểu số với trên 119.000 người, chiếm 5,2% dân số của tỉnh. Trong đó, cộng đồng Hồi giáo có trên 2.800 hộ với gần 11.200 người, sinh sống tại 9 xóm Chăm ở 5/11 huyện, thị xã, thành phố. Nhờ sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền, đời sống của dân tộc Chăm ở An Giang đã ngày càng được nâng cao. Tỉnh đã thành lập được 2 khu dân cư gồm: Khu dân cư xã Châu Phong có 174 hộ và Khu dân cư Vĩnh Trương với hơn 123 hộ. Bên cạnh đó, xã Quốc Thái đang quy hoạch xây dựng tuyến dân cư cho đồng bào dân tộc Chăm và xã Đa Phước đã triển khai xây dựng tuyến dân cư có bố trí khu chợ dân sinh. Tỉnh đã xây dựng được gần 30 căn nhà Đại đoàn kết, nhà Tình thương cho đồng bào Chăm… An Giang phấn đấu đến năm 2025, hỗ trợ đất ở cho gần 320 hộ, nhà ở cho gần 1.100 hộ dân; đầu tư, xây dựng gần 60 công trình, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giai đoạn 2022 - 2025 vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn 3,5%/năm…
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, Trà Vinh là một trong những tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer, bằng nhiều giải pháp hiệu quả, có 2 xã được đưa ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là Ngãi Xuyên và Hàm Giang (huyện Trà Cú), đưa 2/10 ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là ấp ÔkaĐa (xã Phước Hảo, huyện Châu Thành) và ấp Trà Cú C (xã Kim Sơn, huyện Trà Cú).
Năm 2023, Trà Vinh bố trí tổng nguồn vốn gần 626 tỷ đồng để thực hiện các dự án nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, chủ yếu là dân tộc Khmer. Tỉnh hỗ trợ đất ở cho hơn 40 hộ dân tộc thiểu số, nhà ở cho hơn 525 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho gần 40 hộ, đầu tư xây dựng hai công trình nước tập trung. Tỉnh còn thực hiện một dự án trồng cây dược liệu quý tại huyện Trà Cú, hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hơn 60% hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo dân tộc Kinh, cận nghèo ở ấp đặc biệt khó khăn…
Bài cuối: Đồng bộ nhiều giải pháp