Đánh giá lại việc nhấn chìm chất nạo vét biển Vĩnh Tân

Chiều 8/12, UBND tỉnh Bình Thuận đã họp báo, thông tin về việc giải quyết 1,5 triệu m3 nạo vét tại biển Vĩnh Tân; việc điều chỉnh phạm vi Khu bảo tồn biển Hòn Cau, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.

Theo báo cáo, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vĩnh Tân 1 là chủ đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, có công suất 2x620 MW với tổng mức đầu tư dự kiến 1,755 tỷ USD. Trong dự án có hạng mục Bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, được Tổng cục Năng lượng-Bộ Công Thương chấp thuận chủ trương đầu tư.

Khu bảo tồn biển Hòn Cau có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu việc đổ thải của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được cấp phép. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng

Theo thiết kế, để đảm bảo độ sâu nước (-12,7 m) cho tàu 30.000-50.000 DWT cập cảng, phải thi công nạo vét tại các khu vực mặt nước trước bến và vũng quay tàu. Hạng mục này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ngày 24/7/2014. Trong ĐTM nêu rõ khối lượng nạo vét (không phải khối lượng bùn thải) của Vĩnh Tân 1 là hơn 1,5 triệu m3, khối lượng nạo vét duy tu hàng năm là khoảng 268 nghìn m3/năm, toàn bộ khối lượng nạo vét được đổ tại bãi đổ ngoài biển. Vị trí nhận chìm khối lượng nạo vét đã được UBND tỉnh thống nhất tại vị trí thuộc khu vực biển có độ sâu trung bình -25 m, cách khu vực dự án trên 10 km, diện tích khu vực đổ là 300 ha. Vị trí này cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau khoảng 8 km.

Theo báo cáo ĐTM thì trong giai đoạn hoạt động của cảng không tác động đến vành đai bảo vệ, là vùng nằm ngoài khu bảo tồn biển có chiều rộng 500 m tính từ mép ngoài của khu bảo tồn biển Hòn Cau. Tuy nhiên, việc đổ vật liệu nạo vét xuống biển sẽ có những tác động nhất định đến hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, hoạt động sản xuất tôm giống, nuôi trồng thủy sản của địa phương, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông thủy. Đặc biệt, hoạt động đổ vật liệu nạo vét của cảng Vĩnh Tân 1 sẽ gây tác động lớn đến Hòn Cau.

Vấn đề này, ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong thời gian qua, dư luận và nhân dân quan tâm nhiều đến môi trường tại Vĩnh Tân là hoàn toàn đúng. Quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh là sẽ kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đánh giá lại tác động, ảnh hưởng tổng thể của việc nạo vét và đổ khối lượng nạo vét của các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Trên cơ sở xác định chính xác thành phần, khối lượng chất nạo vét; xác định rõ diện tích và vị trí bãi đổ vật liệu nạo vét… nếu gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái biển, đặc biệt là khu bảo tồn biển Hòn Cau, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội khu vực và đời sống, sản xuất của nhân dân thì đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án khác cho phù hợp, bảo đảm sự phát triển bền vững, hài hòa của khu vực này trong quá trình xây dựng, vận hành, khai thác Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân nói chung và nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nói riêng.

Về việc điều chỉnh phạm vi Khu bảo tồn biển Hòn Cau, ông Phạm Văn Nam khẳng định: Việc hình thành Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và Cảng tổng hợp Vĩnh Tân đều thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị điều chỉnh phạm vi Khu bảo tồn biển Hòn Cau là do 02 dự án nêu trên đã chồng lấn vào diện tích của Khu bảo tồn biển. Tuyệt đối không có việc tỉnh Bình Thuận tự ý cắt giảm diện tích khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Như TTXVN đưa tin trước đó, theo đề án phê duyệt thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Cau, tổng diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau là 12.500 ha gồm 5 vùng chức năng. Đồng thời theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia Bộ Công Thương đã thành lập và phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân-Bình Thuận và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung diện tích đất để xây dựng Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của tỉnh Bình Thuận, thì Trung tâm điện lực Vĩnh Tân có 5 nhà máy nhiệt điện với tổng quy mô công suất 6.264 MW, tổng diện tích chiếm đất là 710 ha và cảng tổng hợp Vĩnh Tân được thành lập với diện tích mặt nước sử dụng là 141 ha.

Qua tiến hành rà soát quy hoạch mặt bằng Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Cảng tổng hợp Vĩnh Tân và Khu bảo tồn biển Hòn Cau thì diện tích chồng lấn là 1.060 ha. Để đảm bảo thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác các dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có Công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến thống nhất điều chỉnh phạm vi Khu bảo tồn biển Hòn Cau do các công trình Cảng tổng hợp Vĩnh Tân và Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân chồng lấn. Tổng diện tích đề nghị điều chỉnh giảm 1.060 ha, diện tích còn lại 11.440 ha.

Theo ông Phạm Văn Nam, để điều chỉnh giảm diện tích này, UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu tỉnh báo cáo các bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, thời gian qua, UBND tỉnh luôn hết sức chặt chẽ trong việc đề nghị giảm diện tích này. Sau khi có Công văn ngày 11/11/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương giải quyết phần diện tích mặt biển để xây dựng cảng chuyên dùng, cảng tổng hợp và tuyến luồng vào cảng theo phê duyệt của Chính phủ và quy định của pháp luật. Quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, khu bảo tồn biển; bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế.

Tại buổi họp báo, UBND tỉnh Bình Thuận đã thông tin liên quan đến việc bảo vệ môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Theo đó, thời gian qua, UBND tỉnh Bình Thuận thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động và việc khắc phục ô nhiễm môi trường của các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng xem xét đưa các dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vào chương trình giám sát đặc biệt. Đồng thời, tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Phát điện 3 phối hợp với chủ đầu tư lập báo cáo đánh giá lại tác động môi trường cho toàn bộ các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, đặc biệt là bãi thải xỉ của nhà máy, kể cả bãi xỉ chung của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; kênh thoát nước làm mát của các nhà máy; quá trình nạo vét và bãi đổ thải vật liệu nạo vét đảm bảo không ảnh hưởng đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau...

Hồng Hiếu (TTXVN)
Cần cân nhắc kỹ phương án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xin đổ chất thải ra biển
Cần cân nhắc kỹ phương án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xin đổ chất thải ra biển

Vừa qua Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vĩnh Tân 1 đã xin cấp phép nhận chìm hơn 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển. Sự việc nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN