Đảm bảo chất lượng dự án luật ngay từ khi xây dựng

Ngày 13/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp Phiên họp toàn thể lần thứ 5.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự Phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Chủ trì phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, phiên họp của thứ 5 của Ủy ban Pháp luật diễn ra trong 2 ngày 13,14/4 với các nội dung xem xét đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; cho ý kiến dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội; cho ý kiến về Đề án thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hoá và một số nội dung khác.

Giao không quá 3 dự án Luật cho một cơ quan soạn thảo hoặc cơ quan thẩm tra

Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2017 đối với 11 dự án luật.

Qua đánh giá tổng kết 3 năm thi hành Bộ luật Lao động, Chính phủ nhận thấy, số lượng điều luật và nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung là rất lớn, cụ thể sửa đổi, bổ sung 90 điều, bãi bỏ 27 điều; một số nội dung tương đối phức tạp như quy định về tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm, tiền lương tối thiểu…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Vì vậy, Chính phủ đề nghị thay đổi phạm vi sửa đổi từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động thành Bộ luật Lao động (sửa đổi) và lùi thời hạn trình từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 tới đây sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Hai dự án Luật thuộc chương trình năm 2017 phải xin lùi thời hạn trình là Luật cạnh tranh (sửa đổi) và Luật bảo vệ bí mật nhà nước từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4.

Chính phủ cũng đề nghị bổ sung vào chương trình năm nay 6 dự án luật, dự thảo nghị quyết, trong đó, có dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường.

Riêng dự án Luật về hội, thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV và ý kiến của các hội, các nhà khoa học, cơ quan tổ chức có liên quan.

Tuy nhiên, đây là dự án phức tạp, còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề lớn, quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, Chính phủ chưa đề xuất đưa dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và 2018.

Vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ cần có sự giải thích, làm rõ lý do của đề xuất này, "chúng ta làm luật phải rất thận trọng, cân nhắc nhiều yếu tố, việc đưa vào hay rút dự án luật, pháp lệnh ra khỏi Chương trình đều phải có những căn cứ xác đáng, bởi đây là những quy định của Hiến pháp" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Qua thảo luận, các ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cũng như đại diện từ Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các ủy ban khác đều thống nhất đối với một số dự án trong Chương trình năm 2017 nếu việc chuẩn bị chưa đảm bảo chất lượng thì đồng ý với đề nghị của cơ quan trình dự án cho rút, lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị.

Tuy nhiên, cơ quan trình dự án phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan trình dự án, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan có liên quan. Đối với các dự án đã có trong Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017) thì sẽ tiếp tục đưa vào Chương trình thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018).

Đối với các dự án mới đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2017 và đưa vào Chương trình năm 2018, phải ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết để triển khai thực hiện các văn kiện Đại hội XII của Đảng, nghị quyết, kết luận của các Hội nghị Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội...

Những dự án, dự thảo được đưa vào Chương trình phải có đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và phải có sự đồng thuận cao giữa các cơ quan được giao chủ trì thẩm tra và cơ quan trình dự án.

Nhiều ý kiến tán thành với quan điểm mỗi kỳ họp chỉ giao không quá 3 dự án cho một cơ quan soạn thảo hoặc cơ quan thẩm tra để đảm bảo chất lượng của xây dựng pháp luật; điều chỉnh, giảm số lượng dự án đưa vào Chương trình kỳ họp cuối năm để dành thời gian cho Quốc hội quyết định các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội đưa vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, nhưng được đưa ra khỏi Chương trình theo đề xuất của Chính phủ đề chờ chủ trương, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và có thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh lý bảo đảm chất lượng dự án.

Đến nay, theo báo cáo của Chính phủ, dự án Luật này đã được chỉnh lý hoàn thiện đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Nhiều ý kiến thống nhất với đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật nảy vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự là dự án thuộc Chương trình thông qua tại Kỳ họp thứ 2. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 2 khi xem xét dự án Luật, Quốc hội đã quyết định lùi thời gian thông qua sang Kỳ họp thứ 3.

Đến nay, dự án Luật này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhiều lần, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận, có ý kiến. Quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật thống nhất với Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung dự án Bộ luật này vào Chương trình thông qua tại Kỳ họp thứ 3.

Kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án chưa đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, hồ sơ

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá nội dung cho ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 là nội dung đặc biệt quan trọng trước thềm Kỳ họp thứ 3.

Qua các kỳ họp, bên cạnh việc đánh giá công tác lập pháp có nhiều tiến bộ, các cơ quan chức năng có nhiều cố gắng trong xây dựng thể chế, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ công tác xây dựng pháp luật vẫn tồn tại những khiếm khuyết chưa được khắc phục triệt để.

Cụ thể đó là việc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn "ôm đồm", đưa vào Chương trình quá nhiều dự thảo luật; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh không đảm bảo tính ổn định, điều chỉnh chương trình nhiều lần...

Nhìn nhận nguyên nhân của những tồn tại này có cả chủ quan và khách quan, tuy nhiên nhấn mạnh vào nguyên nhân chủ quan, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đó là các cơ quan chức năng chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội ngay từ khâu lập chương trình cho tới các bước tiếp theo như thẩm định, thẩm tra, cho ý kiến...

Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc xây dựng Chương trình luật, pháp lệnh đã được cải tiến với nhiều điểu mới, trong đó có những nội dung trước nằm ở khâu soạn thảo, thẩm tra như dự báo đánh giá tác động của chính sách thì nay theo quy định mới phải có ngay từ khâu xây dựng Chương trình luật, pháp lệnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ báo cáo đánh giá tác động cần phải được xem xét lấy từ nguồn nào, đồng thời phải quan tâm đảm bảo nguồn lực thực hiện. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý "xây dựng luật thà ít mà chất lượng còn hơn nhiều mà không làm được".

Đồng thời việc xây dựng các luật, pháp lệnh phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, việc đưa vào hay rút dự án luật đều phải có căn cứ cụ thể.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm việc đưa các dự án luật, pháp lệnh vào Chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội; không phân công quá 3 dự án cho một cơ quan soạn thảo hoặc một cơ quan thẩm tra để đảm bảo chất lượng của các dự thảo luật.

Những dự án luật nào cần thiết nhưng chưa đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, hồ sơ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị để lại không đưa vào Chương trình.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Thẩm tra dự án Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện
Thẩm tra dự án Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện

Ngày 29/3, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ tư. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN